Chỉ ăn một nhóm thực phẩm?
Chị Lê Thị Trang (33 tuổi, Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết sau sinh 2 bé chị tăng cân phi mã. Ở thời điểm nặng nhất chị lên tới 62 kg. Nhìn cơ thể đâu cũng mỡ màng, bèo nhèo, chị tự ti về thân hình của mình. Khi quyết tâm giảm cân, chị Trang tìm tới chế độ ăn thực dưỡng.
Theo quan điểm của chị Trang, thức ăn thực dưỡng được chị mua ở thực phẩm sạch và chủ yếu là ăn rau. Các loại rau củ quả chị xay sinh tố và uống thay bữa. Ngoài ra, trong chế độ ăn hàng ngày, chị Trang hạn chế tối đa thực phẩm từ động vật. Trung bình một ngày chị chỉ ăn 150 gram thịt nạc.
Quan điểm của anh Nguyễn Tấn Hải (Tây Hồ, Hà Nội) thì khác với chị Trang, chế độ anh Hải chọn chỉ ăn ức gà, rau cải. Vì anh cho rằng đó là chế độ ăn tốt nhất cho sức khoẻ, bệnh tật không 'gõ cửa'.
Tuy nhiên, sau 2 năm kiên trì với chế độ ăn ức gà và các loại rau cải, anh Hải đành từ biệt vì không theo được cách ăn này. Đặc biệt, bạn gái anh Hải không thích chế độ ăn quá hà khắc của bạn trai.
PGS TS BS. Nguyễn Thị Bay – nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng có nhiều chế độ ăn uống khác nhau, mỗi người có một quan điểm. Ăn theo chế độ ăn sạch tốt cho sức khoẻ trong đông y gọi là thực dưỡng.
Thực dưỡng là thuật ngữ đã có từ rất lâu đời, được miêu tả nhiều trong một số tài liệu y học cổ truyền phương Đông, trong đó nhiều nhất là sách của Trung Quốc.
Ở Hy Lạp, vào thế kỷ thứ 6 và 7 cũng đã xuất hiện thực dưỡng. Ở Anh, thực dưỡng là một triết lý thực hành giúp bảo trì sự sống. Còn ở Mỹ, năm 1926, Bộ Y tế Mỹ cũng đã nhấn mạnh vấn đề thực dưỡng trong điều trị bệnh và đưa nó vào chương trình đào tạo cho sinh viên y khoa.
Hiện có nhiều người lại cho rằng thực dưỡng là ăn chay hay ưu tiên một món ăn như chỉ ăn gạo lứt, muối vừng hoặc họ chỉ chọn thực phẩm nào đó trong chế độ ăn. Tuy nhiên, đây là một nhận định chưa đúng. Theo PGS TS BS. Nguyễn Thị Bay, thực dưỡng đúng phải bao gồm cách ăn và thức ăn đúng.
Để cơ thể khoẻ mạnh không chỉ là thức ăn mà cần ăn đúng cách.
Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm các thực phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang vào mùa và tiêu thụ bữa ăn có chừng mực.
Cách ăn cho khoẻ
Nếu bạn đang muốn ăn theo chế độ tốt cho sức khoẻ, PGS Bay cho rằng bạn cần đảm bảo 3 yếu tố sau đây về cách ăn:
Thứ nhất, ăn đúng bữa
Ăn đúng bữa và đúng giờ sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc có giờ giấc, khoa học và tiêu hóa thức ăn được tốt hơn. Thông thường, quy trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, vì vậy, sau khi ăn khoảng 4 tiếng thì bạn cần ăn bữa ăn tiếp theo để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Thứ hai, ăn chậm, nhai kỹ
Thức ăn được nghiền nát trước khi đi vào dạ dày sẽ “giảm tải công việc” cho dạ dày, từ đó hệ tiêu hóa cũng trở nên khỏe mạnh hơn. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp hấp thu các chất dinh dưỡng vào máu được tốt hơn.
Thứ ba, ăn uống trong sự vui tươi và lạc quan
Nếu muốn cơ thể cân bằng, quân bình, không bệnh tật thì phải đảm bảo vui và thoải mái khi ăn uống, không đem sự u uất vào trong bữa ăn.
Về thức ăn
Ngày xưa, thực dưỡng là ăn toàn phần, tức là thức ăn phải cân bằng màu sắc, cân bằng âm dương nhưng phân biệt âm dương trong thức ăn thì không phải ai cũng biết. Chính vì vậy, ngày nay, khoa học chứng minh một cách dễ hiểu hơn là cơ thể cần chất đạm, chất đường, chất béo và các vitamin, khoáng tố. Như vậy, thức ăn tốt cho sức khoẻ bạn phải đảm bảo đủ chất, đủ loại và đủ màu sắc.
Bên cạnh đó, khi có bệnh tật trong người thì cần phải có chế độ ăn phù hợp với những thức ăn khoa học để đảm bảo vừa cung cấp đủ chất cho cơ thể, vừa phòng ngừa bệnh tiến triển hơn.
PGS Bay cho rằng khi ăn ăn uống, nguyên tắc ăn để khoẻ mạnh đó là ăn uống sao cho hài hòa cân đối giữa cách ăn và thức ăn, luôn ăn có chừng mực, không thiên lệch về một thực phẩm nào hay món ăn nào.
Ngày nay, có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về thực dưỡng, do đó, nếu bạn muốn ăn theo kiểu thực dưỡng thì hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để được tư vấn nhằm đảm bảo vừa an toàn, vừa giúp duy trì sức khỏe.