Trong thực phẩm ăn uống hàng ngày, đường có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Có 2 loại đường trong thực phẩm đó là.

- Đường tự nhiên. Đường tự nhiên được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm như trái cây (fructose và glucose) và sữa ( lactose ).

- Đường bổ sung. Đường bổ sung là đường trắng, đường nâu, mật ong và si rô được cho vào thực phẩm trong quá trình chuẩn bị hoặc chế biến. Ví dụ sử dụng đường để nấu chè, pha cà phê….

Nhiều người cho rằng một chế độ ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe, nhất là có khả năng gây ung thư . Thực tế, n ếu chế độ ăn hàng ngày của chúng ta có quá nhiều đường thì có thể góp phần hình thành chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc béo phì - đây là một yếu tố nguy cơ gây ung thư.

duong-beo-phi-ung-thu2jpg-1680658665863571776299-1681040677031-16810406772161465513668.jpg

Chế độ ăn hàng ngày quá nhiều đường có thể góp phần hình thành chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc béo phì - đây là một yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Tế bào ung thư chuyển hóa glucose nhanh hơn tế bào bình thường

Quá trình trao đổi chất của cơ thể là khi ăn thực phẩm có chứa carbohydrate, bao gồm cả thực phẩm có đường, cơ thể sẽ phân hủy nó thành glucose. Sau đó, glucose đó sẽ cung cấp nhiên liệu cho các tế bào để tạo ra năng lượng cần thiết cho hoạt động của cơ thể.

Tế bào bình thường và tế bào ung thư đều sử dụng glucose để tạo năng lượng. Các nhà khoa học biết rằng tế bào ung thư chuyển hóa glucose nhanh hơn tế bào bình thường. Đó là một phần của Hiệu ứng Warburg (đặt theo tên của nhà khoa học người Đức Otto Warburg, đã nghiên cứu về bệnh ung thư vào đầu thế kỷ 20).

Hiệu ứng Warburg còn được ứng dụng thực tế trong chẩn đoán ung thư. Trong đó nổi bật là kỹ thuật chụp PET/CT – (positron emission tomography), các bác sĩ tiêm glucose đồng vị phóng xạ vào máu. Vì các tế bào ung thư chuyển hóa glucose với tốc độ nhanh hơn nên chụp PET sẽ xác định vị trí của các tế bào ung thư và khối u trong cơ thể. Các bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh để tìm u nguyên phát hoặc đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư.

Hiện nay, một số nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp điều trị để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách bỏ đói glucose. Họ hy vọng có thể thay đổi các gen ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào ung thư hoặc phát triển các loại thuốc nhắm vào quá trình trao đổi chất của tế bào ung thư.

Ăn đường có khiến tế bào ung thư phát triển không?

Nhiều người thường thắc mắc liệu đường trong thức ăn hàng ngày có thể khiến tế bào ung thư phát triển hay không? Câu trả lời là không vì chưa có nghiên cứu nào ở người cho thấy việc giảm lượng đường ăn vào sẽ ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư. Hơn nữa, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn quá nhiều đường gây ung thư. Nói cách khác, không có mối liên hệ trực tiếp giữa đường và ung thư.

Một số nghiên cứu về nước giải khát có lượng đường cao với bệnh ung thư. Trước tiên là nghiên cứu năm 2006 của tác giả Yale được đăng trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, kết quả không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc dùng nước ngọt và tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Một nghiên cứu khác năm 2019 trên PLOS One không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ nước ngọt và ung thư đại trực tràng. Và nổi bật là nghiên cứu năm 2012 của các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ không tìm thấy mối liên hệ nào giữa đường trong chế độ ăn uống và việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng hoặc bệnh ung thư lớn nào khác.

duong-beo-phi-ung-thu1jpg-16806586656942022304695-1681040682859-1681040682988682438405.jpg

Ăn quá nhiều đường có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể gây béo phì, làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh khác.

Mối liên hệ giữa đường, béo phì và nguy cơ ung thư

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn quá nhiều đường có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể gây béo phì, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh khác.

Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), thừa cân hoặc béo phì trong suốt tuổi trưởng thành có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc 12 bệnh ung thư khác nhau.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra mối liên hệ giữa béo phì và ung thư. Có nhiều yếu tố đóng vai trò trong việc béo phì gây nguy cơ ung thư, bao gồm nội tiết tố, tình trạng viêm hoặc các yếu tố sai lệch về cân nặng trong chăm sóc y tế.

Trong các phương pháp phòng ngừa ung thư, việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là rất quan trọng. Chúng ta có thể duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn thức ăn bổ dưỡng với khẩu phần thích hợp và chú ý đến các dấu hiệu đói hoặc no.

Thế nào là chế độ ăn đường lành mạnh?

Hãy sử dụng đường tự nhiên trong trái cây, rau, ngũ cốc và sữa. Những sản phẩm này cũng chứa các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau, vì vậy chúng thường được coi là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Các thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến để cải thiện hương vị hoặc tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm người ta đã cho thêm đường. Chúng được gọi là "đường bổ sung - Added Sugar". Các chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe đã khuyên chúng ta nên hạn chế dùng đường bổ sung để có sức khỏe tốt.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị phụ nữ tiêu thụ không quá 25g (100 calo hoặc 6 thìa cà phê) mỗi ngày và nam giới không quá 36g (150 calo hoặc 9 thìa cà phê) mỗi ngày từ đường bổ sung. Những hướng dẫn này áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể họ có bị ung thư hay không. Hiện tại, người ta ước tính rằng người dân Mỹ tiêu thụ trung bình 77g đường bổ sung mỗi ngày.

Vì vậy, chúng ta khi mua thực phẩm, hãy nhớ xem nhãn thông tin dinh dưỡng, trong đó liệt kê cả tổng lượng đường và đường bổ sung trên mỗi khẩu phần. Hàng ngày cần ăn nhiều loại thực phẩm, bao gồm rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022