1 loại thịt giàu collagen bậc nhất, giúp "đánh bại" lão hóa
Phụ nữ sau tuổi 25 sẽ nhận thấy các dấu hiệu lão hóa bộc lộ rõ ràng hơn, nhất là ở vùng khóe mắt, khóe miệng... Một trong những cách phổ biến để trì hoãn lão hóa đó là bổ sung collagen. Đây là loại protein có công dụng trong việc làm da đàn hồi, giảm nếp nhăn, giúp xương khỏe hơn...
Loại thịt nổi tiếng với việc giàu protein, tăng cường sản xuất collagen... tốt cho da và xương mà chuyên gia khuyên dùng đó là thịt bò.
Protein trong thịt bò được tạo thành từ các axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra được. Thịt bò, đặc biệt là da và xương bò, là nguồn cung cấp collagen dồi dào. Collagen có nguồn gốc từ thịt bò thường thuộc loại I và III. Đây là các nguồn collagen mà cơ thể dễ hấp thụ, rất cần thiết cho sức khỏe và sức mạnh của da, xương, gân, sụn sợi, mô liên kết, răng...
Những miếng thịt bò có chứa cả gân là phần giàu collagen nhất, những phần đó bao gồm bắp bò, ức bò, thăn bò...
Hơn nữa, thịt bò cung cấp hơn 100% giá trị kẽm mà cơ thể cần hàng ngày, đây là một trong những khoáng chất quan trọng mà cơ thể cần để sản xuất collagen.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM): Trong đông y, thịt bò vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, lợi huyết, mạnh gân xương.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt bò là nguồn thực phẩm giàu sắt và kẽm, do đó chúng có tác động lớn với sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Từ đó, thịt bò giúp tăng cường chức năng trao đổi, giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn.
Thịt bò nạc cung cấp cho chúng ta sắt heme - dạng sắt được cơ thể bạn hấp thu dễ dàng hơn so với sắt nonheme có trong rau bina và các loại thực phẩm giàu sắt khác.
Thịt bò còn chứa nhiều creatine, là chất cung cấp năng lượng cho cơ bắp, chính vì vậy thịt bò có tác dụng đặc biệt giúp tăng cơ bắp và tăng cường sức bền.
Thịt bò rất tốt nhưng người mắc bệnh sau nên tránh
Thịt bò dù giàu dinh dưỡng nhưng chúng lại thuộc nhóm thịt đỏ nên không phải ai cũng phù hợp.
Một số đối tượng cần hạn chế ăn thịt bò bao gồm:
1. Trẻ em, người tiêu hóa kém vì có thể bị khó tiêu.
2. Người bị bệnh gút nên hạn chế ăn do thịt bò nhiều đạm, làm tăng axit uric.
3. Người có bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều thịt bò do thịt bò giàu protein, khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.
Không phải thịt bò, thịt lợn: Đây mới là 3 loại thịt thơm ngon đặc biệt, ngừa đủ thứ bệnh mà bạn nên ăn vào Tết Dương lịchĐọc ngay
4. Người có tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường nên ăn thịt bò với liều lượng phù hợp.
5. Người bị bệnh xương khớp cũng nên ăn lượng thịt bò hợp lý, bởi ăn nhiều sẽ sản sinh ra nhiều axit. Trong khi đó các axit cần phải có canxi để trung hòa và chuyển hóa. Những người bị viêm khớp thường trong tình trạng thiếu canxi.
Theo TS Tuấn Thị Mai Phương (Viện Dinh dưỡng), ăn quá nhiều thịt đỏ như thịt bò có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng... Người khỏe mạnh chỉ nên ăn thịt đỏ dưới 3 lần/tuần. Tổng lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Ngoài ra khi ăn thịt bò cần lưu ý: Sử dụng phương pháp chế biến nhẹ nhàng như hấp, luộc thịt bò, thay vì các món cầu kỳ tẩm ướp nhiều gia vị như nướng hoặc chiên. Bởi thịt bò khi bị tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, lượng protein sẽ biến đổi, gây ra nhiều chất có hại cho sức khoẻ, thậm chí là ung thư.
Mọi người không nên ăn thịt bò tái vì trong thịt bò vẫn có thể tồn tại ký sinh trùng hoặc sán thâm nhập cơ thể, nhiều trường hợp sán dải bò, sán gạo…
Thịt bò nên kết hợp cùng với rau xanh để có thể thúc đẩy nhanh quá trình thải các chất độc và chất béo thừa ra khỏi cơ thể.