Khi mắc sốt xuất huyết Dengue (viết tắt trong bài là sốt xuất huyết) lần hai, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nặng hơn lần đầu. Nguy cơ trở nặng cao hơn ở nhóm bệnh nền, người lớn tuổi, bà bầu, trẻ em. Như cuối tháng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp nhận bé trai 11 tuổi, nặng 45 kg (cơ địa béo phì), sốc sốt xuất huyết. Trước đó, bé sốt cao liên tục ba ngày, đến ngày thứ 4 bớt sốt nhưng đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, được đưa vào viện cấp cứu.

Bác sĩ cho biết do thể trạng bệnh nhi béo phì, khó khăn khi điều chỉnh dịch truyền. Bệnh nhân vào sốc sớm và biểu hiện sốc sâu kéo dài, đã truyền dịch đúng phác đồ nhưng tình trạng diễn tiến phức tạp.

Cụ thể, bé biến chứng tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều gây suy hô hấp nặng, phải đặt nội khí quản giúp thở. Bệnh nhi rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, được truyền nhiều máu và chế phẩm máu, tiểu cầu đậm đặc. Tình trạng suy hô hấp vẫn không cải thiện nên bé được chọc hút dịch màng bụng để giải áp. Sau một tuần điều trị tích cực, bé mới có thể tự thở, ăn uống được.

Một trường hợp khác là vợ chồng ông Hùng (trên 65 tuổi, TP HCM), sống tại căn chung cư ở tầng cao, không gian sinh hoạt được cho là sạch đẹp, vẫn không tránh được tình trạng bị muỗi đốt. Cuối năm 2024, cả hai phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Vì có bệnh nền, họ bị biến chứng, phải nằm viện gần hai tháng, di chứng ảnh hưởng chức năng thận.

Sốt xuất huyết đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo WHO, trong ba thập niên qua, số ca mắc tăng 50 lần.

pexels-shyamli-kashyap-1314026-6987-1826-1742998037.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W84BpiXutgiqUQcsdCUzhA

Theo WHO, cứ 12 phút, toàn cầu lại có một người tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: Pexels

Năm 2023, thế giới ghi nhận hơn 6,5 triệu ca mắc, hơn 6.800 ca tử vong do sốt xuất huyết - cao nhất lịch sử. Nhưng kỷ lục này nhanh chóng bị "xô đổ" khi năm 2024 có hơn 14 triệu ca nhiễm, hơn 10.000 người tử vong.

Sở Y tế TP HCM cảnh báo năm nay dịch có thể đến sớm hơn do tác động của mưa trái mùa, với 4.949 số ca mắc tính đến tuần 11 đầu năm nay, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu bùng phát vào mùa mưa, tập trung tại miền Nam. Tuy nhiên hiện bệnh lan rộng trên toàn quốc và xuất hiện quanh năm.

Biểu hiện ban đầu khi mắc sốt xuất huyết gồm sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể thường dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, dễ gây tâm lý chủ quan hay điều trị sai hướng. Người bệnh có thể bị biến chứng nặng gây thoát huyết tương, rối loạn đông máu, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết. Do đó, ngoài việc nâng cao năng lực điều trị triệu chứng, phòng, chống chủ động là biện pháp quan trọng. Mỗi cá nhân cần kiểm soát vector (trung gian truyền bệnh), tránh muỗi đốt và tiêm phòng.

Độc giả có thể thực hiện khảo sát sau để xác định bản thân hoặc người thân có đang thuộc nhóm nguy cơ mắc sốt xuất huyết hay không.

Vạn Phát

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022