Bác sĩ Nguyễn Duy Anh, Giảng viên chuyên ngành Y học hạt nhân và Ung bướu - Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết đa phần bệnh nhân ung thư gặp tác dụng phụ trong quá trình điều trị hóa trị, bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc, tiêu chảy, loét miệng. Những tác dụng này khiến bệnh nhân lo lắng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là cách giúp giảm nhẹ và kiểm soát những tác dụng phụ:
Giảm buồn nôn và nôn
Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của hóa trị, có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc chống nôn. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, ăn ít nhưng nhiều lần trong ngày, tránh ăn quá no. Ngoài ra, cần tránh thực phẩm có mùi mạnh như mùi dầu mỡ, chiên rán. Bổ sung thêm gừng vào các bữa hoặc nước uống trà gừng, nhai một lát gừng tươi.
Việc thư giãn, hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ, thiền định hoặc châm cứu cũng có thể giúp kiểm soát buồn nôn.
Giảm mệt mỏi
Mệt mỏi là tình trạng rất nhiều bệnh nhân ung thư gặp phải, bạn có thể cải thiện bằng cách ngủ đủ giấc, cố gắng duy trì giờ ngủ cố định, hạn chế dùng điện thoại trước khi ngủ.
Thiếu máu do hóa trị có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn, vì vậy hãy bổ sung thực phẩm giàu protein, sắt, vitamin B12 như thịt bò, cá, trứng, rau xanh. Tập thể dục nhẹ nhàng bằng cách đi bộ, yoga hoặc vận động nhẹ giúp cải thiện tuần hoàn, giảm mệt mỏi.
Khi mắc bệnh, nhiều người bị căng thẳng, lo âu, điều này có thể làm bạn kiệt sức hơn. Hãy tâm sự với người thân hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư để tinh thần được thoải mái hơn.
Giảm rối loạn tiêu hóa
Nếu bị tiêu chảy, hãy uống nhiều nước (nước lọc, nước oresol) để tránh mất nước. Ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp; Tránh sữa, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng.
Nếu bị táo bón, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước. Ngoài ra, vận động nhẹ nhàng để kích thích tiêu hóa. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc nhuận tràng an toàn.
Giảm loét, khô miệng
Người bệnh nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ. Uống đủ nước giúp giữ miệng ẩm, giảm cảm giác khô rát. Tránh thực phẩm chua, cay, thay vào đó là tăng cường dùng mật ong hoặc dầu dừa.
Giảm nguy cơ nhiễm trùng do giảm bạch cầu
Hóa trị có thể làm giảm bạch cầu, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Để bảo vệ bản thân, bạn nên rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm. Ăn uống an toàn, tránh thực phẩm sống như sushi, rau sống, trứng sống. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường miễn dịch. Nếu sốt cao hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy báo ngay cho bác sĩ.

Người bệnh ung thư phải điều trị lâu dài, việc hóa trị gây nhiều tác dụng phụ. Ảnh minh họa: Science Source
Ngăn ngừa rụng tóc
Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến của một số loại hóa trị. Hiện nay, một số bệnh viện có phương pháp đội mũ lạnh giúp giảm rụng tóc khi truyền hóa chất. Bên cạnh đó, người bệnh cần chăm sóc tóc nhẹ nhàng, không dùng hóa chất nhuộm, uốn trong quá trình điều trị. Nếu tóc rụng, bạn có thể chọn tóc giả hoặc khăn quàng để luôn tự tin.
Giảm tê bì, đau nhức tay chân
Một số thuốc hóa trị có thể gây tổn thương dây thần kinh, khiến cơ thể tê bì, đau nhức tay chân. Để giảm triệu chứng này, bạn có thể bổ sung vitamin nhóm B (B1, B6, B12) theo chỉ định của bác sĩ; Xoa bóp, châm cứu; Giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc lạnh, đặc biệt vào mùa đông.
Hóa trị là hành trình không dễ dàng. Nếu gặp tác dụng phụ, đừng chịu đựng một mình mà hãy trao đổi ngay với bác sĩ để có cách xử lý phù hợp. Quan trọng nhất là giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào quá trình điều trị để đạt kết quả tốt nhất.
Thúy Quỳnh