Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dành thời gian ở một mình, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại và gọi đây là "đại dịch cô đơn". Một số nhà trị liệu thậm chí còn "kê đơn" cho bệnh nhân giao tiếp xã hội để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Virginia Thomas, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Middlebury (Vermont, Mỹ), cần phân biệt rõ giữa sự cô đơn và trạng thái độc lập tích cực. Trên chuyên trang The Conversation, bà cho rằng cô đơn và cô lập là vấn đề xã hội cần lưu tâm vì có liên quan đến trầm cảm và làm giảm tuổi thọ. Nhưng với một số người, việc ở một mình không phải là dấu hiệu tiêu cực mà là lựa chọn có chủ đích, mang lại cảm giác hạnh phúc.
Theo tiến sĩ Thomas, nỗi sợ cô đơn phần lớn bắt nguồn từ định kiến văn hóa, vốn xem việc ở một mình là điều không tự nhiên, không lành mạnh, thậm chí đáng thương hại hoặc đáng sợ. Trong môi trường văn hóa đó, những người yêu thích sự tĩnh lặng dễ bị kỳ thị.
Ngược lại với quan điểm phổ biến, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra ba lợi ích nổi bật của việc ở một mình: nạp lại năng lượng, phát triển bản thân và thúc đẩy cảm xúc cùng sự sáng tạo.

Một người phụ nữ đang ăn trưa một mình. Ảnh: Adobe Stocke
Một nghiên cứu đăng trên Personality and Social Psychology Bulletin cho thấy, chỉ 15 phút ở một mình mỗi ngày có thể giúp giảm cảm giác lo âu và tăng sự bình tĩnh. Việc "giải phóng" cảm xúc này giúp con người thiết lập lại trạng thái tinh thần, cải thiện sự minh mẫn và giảm căng thẳng.
Ở một mình cũng là cơ hội để tự suy ngẫm và trưởng thành. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người chủ động dành thời gian một mình thường có mức độ tự chủ cao hơn và cảm nhận rõ ràng hơn về bản thân. Một nghiên cứu năm 2023 đăng trên Scientific Reports cho thấy, những người chủ động chọn cô lập xã hội có mức độ căng thẳng thấp và kiểm soát cuộc sống tốt hơn. Thời gian một mình giúp họ kết nối sâu sắc hơn với các giá trị và mục tiêu cá nhân.
Ngoài ra, sự yên tĩnh còn tạo điều kiện để phát triển trí tuệ cảm xúc và khả năng sáng tạo. Một nghiên cứu năm 2021 thực hiện trong thời gian phong tỏa 55 ngày vì Covid-19 với hơn 1.200 người trưởng thành tại Pháp cho thấy, khả năng sáng tạo hàng ngày tăng đáng kể, đặc biệt ở những người trước đó ít có biểu hiện sáng tạo.
Dù xã hội thường ưu ái lối sống hướng ngoại, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nhìn nhận lại giá trị của sự tĩnh lặng. Khi được lựa chọn một cách chủ động, ở một mình không phải là dấu hiệu của cô đơn mà có thể là nền tảng cho sự phát triển cá nhân và cảm xúc sâu sắc hơn.
Thục Linh (Theo NY Post)