Các trường đại học bao gồm Quốc gia Gangwon, Kyungpook, Kyungsang, Chungnam, Chungbuk và Jeju. Lời đề nghị được đưa ra trong bối cảnh cuộc mâu thuẫn của chính phủ và cộng đồng y tế vẫn chưa thể giải quyết.

Nếu chính phủ chấp nhận yêu cầu của họ, số lượng tuyển sinh bổ sung trong năm tới có thể giảm xuống mức thấp nhất là 1.000, bằng một nửa so với kế hoạch ban đầu là 2.000 chỉ tiêu.

Theo giới chức Hàn Quốc, đề xuất này sẽ được thảo luận trong cuộc họp do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì vào cuối ngày 19/4. Một quan chức của Tổng thống cho biết nước này sẵn sàng xem xét một cách tích cực và điều chỉnh con số 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh nếu phía bác sĩ và các giáo sư y khoa đưa ra ý kiến cụ thể và hợp lý.

Trong cuộc họp, chính phủ cũng sẽ thảo luận về hạn ngạch tuyển sinh kể từ năm 2026 trở đi. Kế hoạch hiện tại của Hàn Quốc là tăng 2.000 sinh viên hàng năm. Trước đó, vào ngày 18/3, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong đã tái khẳng định cam kết sẽ "không ngừng" cải cách y tế. Ông cho rằng đây là động thái cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe người dân, tăng cường các dịch vụ y tế thiết yếu, đồng thời chuẩn bị cho viễn cảnh dân số già trong tương lai.

20240419050084-0-jpeg-17135008-1535-1474-1713500987.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r5rI3KhcnE_iZGSszOV3sA

Nhân viên y tế đi dọc hành lang tại một bệnh viện đại học ở Seoul, ngày 17/3. Ảnh: Yonhap

Bên cạnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh, Hàn Quốc còn có kế hoạch tăng số lượng y tá trợ lý bác sĩ (PA) đề bù đắp cho tình trạng thiếu hụt. PA là các y tá tay nghề cao, có thể hỗ trợ bác sĩ thưc hiện các thủ tục quan trọng, đồng thời tham gia vào việc xây dựng kế hoạch điều trị, thậm chí kê đơn.

Trước đó, từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Điều này khiến Hàn Quốc đứng trước bờ cuộc khủng hoảng y tế lớn. Cuộc khủng hoảng lan sang cả lĩnh vực đào tạo, khi sinh viên y khoa và nhiều giáo sư trường y nghỉ việc ủng hộ các bác sĩ nội trú. Trong khi đó, chính phủ bắt đầu tước giấy phép hành nghề của gần 5.000 bác sĩ trên, đồng thời xét đến xử lý hình sự.

Những người đình công phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Họ cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.

Trong khi đó, chính phủ nhận định việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, nhằm ứng phó với tình trạng dân số già và tăng cường lực lượng y bác sĩ cho các nhóm ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.

Đến năm 2035, khoảng 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035.

Thục Linh (Theo Yonhap)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022