Ngày 8/8, bác sĩ Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết thông tin trên, thêm rằng kết quả này chỉ có giá trị định tính, mang tính cảnh báo mối nguy, "chưa khẳng định là không an toàn với sức khỏe người tiêu dùng".

21 mẫu rau trong 206 mẫu thực phẩm được Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm lấy ngẫu nhiên tại các cơ sở bán bánh mì ở thành phố Nha Trang thời gian qua. Việc lấy mẫu nằm trong kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, sau khi nhiều vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh mì xảy ra ở các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai, Đà Lạt nửa đầu năm.

"Ưu tiên chọn các cơ sở bán bánh mì để giám sát vì trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm từ bánh mì là rất cao", ông Khoa giải thích.

Trong số mẫu thực phẩm được lấy, cơ quan chức năng xét nghiệm 101 mẫu tại phòng kiểm nghiệm, 105 mẫu xét nghiệm nhanh (bao gồm 21 mẫu rau trên). Kết quả, tại phòng kiểm nghiệm có 6 mẫu dương tính với vi khuẩn Salmonella, một mẫu chả bò có hàn the. Còn xét nghiệm nhanh cho thấy một mẫu chả bò dương tính hàn the; 21 mẫu rau gồm xà lách, dưa leo, hành, ngò, rau thơm được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì có 11 mẫu dương tính thuốc trừ sâu.

Tuy vậy, bác sĩ Khoa cho biết kết quả này chỉ mới test nhanh nên "chưa có giá trị khoa học để khẳng định mẫu rau vi phạm quy định mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật". Cơ quan chức năng tiếp tục gửi mẫu rau đến phòng kiểm nghiệm. Nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu trong rau vượt quá giới hạn mới có cơ sở pháp lý khẳng định mẫu rau đó không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Đây là lần đầu tiên Khánh Hòa kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bánh mì và các món ăn kèm, cũng là địa phương đầu tiên cả nước tiến hành giám sát chất lượng món ăn phổ biến này.

banhmyyy-1723097831-2787-1723097874.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GkYPO7ZI3o9PcC4pBm9pww

Bánh mì là món ăn phổ biến ở Việt Nam, thường được ăn kèm với thịt chả, rau xanh như dưa leo, hành ngò... Ảnh: Phú Ninh

Từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 509 người mắc, một trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân. Các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu ở thành phố Nha Trang, liên quan nhóm thức ăn đường phố, thủ phạm thường do khuẩn Salmonella hoặc E.coli, hoặc cả hai.

Sau các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm, dự kiến thực hiện định kỳ hàng năm. Mục đích là nhằm chủ động phát hiện sớm các mối nguy đối với một số nhóm thực phẩm ăn ngay có nguy cơ cao, nhất là nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật, đang được bán tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Trên cơ sở đó, ngành chức năng có biện pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Bùi Toàn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022