Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhất, Bộ Tài chính vẫn đưa hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030. Bia cũng tăng từ 35% hiện nay lên 90% hoặc 100% đến năm 2030.

Tại hội thảo lấy ý kiến do Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8/8, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng cơ quan soạn thảo mới đánh giá tác động theo hướng định tính, trích kết quả của quốc tế, không có dẫn chứng thực tế của Việt Nam.

Chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính đánh giá toàn diện hơn, dựa trên bằng chứng cụ thể, gồm tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách. Khi chưa đánh giá được hết tác động, ông Việt đề xuất nhà chức trách sử dụng mức thuế suất tạm thời, sau đó có thể điều chỉnh theo mức độ kết quả đạt được. Tức là, chính sách đưa ra sẽ không cố định lộ trình từ đầu với các mức, thời điểm tăng cho cả giai đoạn như hiện nay.

"Có thể tăng thuế suất một lần vào năm 2026, rồi giãn cách 2-3 năm để có thời gian xem xét các mục tiêu, tác động cụ thể", ông nói.

Nguyen-Quoc-Viet-2401-1723108406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W_2H0XtYevW-3uRwIVvaVg

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP) phát biểu tại hội thảo, ngày 8/8. Ảnh: VBA

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế này với rượu, bia. Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc pháp chế và tuân thủCarlberg Việt Nam cho rằng việc tăng thuế chỉ nên diễn ra sau 2-3 năm kể từ khi chính sách mới được thông qua.

Theo bà Linh, các định hướng về đầu tư mở rộng, hay thuê thêm lao động của doanh nghiệp đều chưa thể quyết định do phải chờ chính sách cuối cùng được phê duyệt. "Chúng tôi không biết sẽ phải xây dựng kế hoạch kinh doanh tiếp theo như thế nào", bà nói.

Thực tế, giai đoạn 2010-2015 thuế tiêu thụ đặc biệt với bia duy trì ở mức 45-50%, sau đó tăng theo lộ trình từ 2016. Hiện mức áp với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.

Bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Sabeco, Carlsberg cùng với Heineken Việt Nam và Habeco, là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Bia Sài Gòn (Satraco, đơn vị thành viên của Sabeco) nói với lộ trình như đề xuất, "doanh nghiệp không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng nhanh chóng và sáng sủa cho những năm sắp tới".

"Tăng thuế sẽ làm doanh nghiệp rất khó khăn, đối diện rủi ro đóng cửa, đặc biệt các nhà máy nhỏ", ông Giang nói, thêm rằng việc này khiến lãng phí nguồn lực xã hội, tổn thất lớn cho người lao động, an sinh xã hội.

Với lộ trình dự kiến tăng thuế của Bộ Tài chính lần này, giá bia, rượu sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm khoảng 2-3% mỗi năm tiếp theo, giúp giảm tiêu dùng và các tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn gây ra. Theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách có thêm khoảng 10.700 tỷ đồng từ thuế tiêu thụ đặc biệt với bia năm đầu tăng thuế. Từ 2027-2030, khoản thu thuế tăng thêm khoảng 3.500 tỷ đồng mỗi năm.

Các bộ ngành, địa phương khi được tham vấn đều ủng hộ phương án tăng thuế lên mức tối đa 100% với bia, rượu từ 20 độ trở lên và 70% với rượu dưới 20 độ. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam cần tăng lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng (tính trên một lít cồn) cộng với thuế suất 65% như hiện nay.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022