Đây là một trong những yêu cầu trong Kế hoạch triển khai Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VTelehealth) năm 2023, vừa được Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, trước ngày 1/3, Cục Công nghệ thông tin xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và ứng dụng của Nền tảng VTelehealth, triển khai thí điểm tại một số bệnh viện. Trước 1/4, xây dựng giải pháp kỹ thuật để tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an (VNeID).

Trong năm 2023, ngành y tế triển khai Nền tảng VTelehealth tại 100% các cơ sở y tế khám, chữa bệnh công lập. Việc này nhằm giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh dễ dàng, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên, theo Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, nền tảng này sẽ kết nối và chia sẻ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh y khoa với Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để giám định chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT không sử dụng in phim.

1-2924-1676635527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dcZ5XtOLYKNtlHgws4fWWw

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hội chẩn ca uốn ván nặng tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh:Thư Anh.

VTelehealth tích hợp các sản phẩm công nghệ thông tin y tế, gồm các phần mềm: Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống bệnh án điện tử (EMR), quản lý phòng xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), giải pháp hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine).

Nền tảng này cũng tích hợp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, bao gồm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử và thương mại điện tử trong lĩnh vực y tế.

Ứng dụng Telehealth khám chữa bệnh từ xa đã được Bộ Y tế triển khai từ giữa năm 2020 với hai mục tiêu căn bản. Đó là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới; nay mở rộng theo mô hình 1-N nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn.

Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh theo phương thức kết hợp bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho đồng nghiệp tuyến dưới khi cần thiết.

Trong hai năm đại dịch, nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp nguy kịch đã được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên, từ đó cứu sống họ.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022