Đề xuất được nêu trong Hội thảo xây dựng danh mục dụng cụ phục hồi chức năng (PHCN) ưu tiên tại Việt Nam, do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Liên hiệp hội Người khuyết tật tổ chức, ngày 17/2.
Trên 20% dân số Việt Nam đang sống trong gia đình có người khuyết tật, theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Năm 2021, dân số Việt Nam là 97,75 triệu người, trong đó hơn 7% là người khuyết tật. Khoảng 2/3 trong số họ được chia vào nhóm khuyết tật nhẹ.
Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, ước tính người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% vào năm 2050. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 19 triệu người nước ta sẽ có nhu cầu đối với ít nhất một dụng cụ phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người dân và người khuyết tật.
Theo đó, hiện gần ba triệu người khuyết tật phải tự mua BHYT cũng như đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dụng cụ phục hồi chức năng, vốn rất quan trọng với người khuyết tật, người cao tuổi nhưng chưa được BHYT chi trả, từ đó gây khó cho họ trong cuộc sống.
"Với nguồn tài chính có hạn và nhu cầu về dụng cụ phục hồi chức năng, thì nguồn tài chính bền vững chi trả cho các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật từ BHYT là hết sức cần thiết", ông Thái nói.
Một bệnh nhân tập phục hồi chức năng. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam, cho biết người khuyết tật gặp khó trong tiếp cận dụng cụ trợ giúp do không có sẵn tại địa phương (trừ một số thành phố lớn).
Ngoài ra, nhóm này không có khả năng chi trả do điều kiện kinh tế, không có thông tin về các sản phẩm tương tự. Hoặc các sản phẩm không phù hợp, không có thông tin về sửa chữa, bảo trì.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần mở rộng danh mục BHYT chi trả dụng cụ trợ giúp người khuyết tật. Trước tiên là các dụng cụ thiết yếu như máy trợ thính cho người khiếm thính; thiết bị hỗ trợ tăng thị lực cho người khiếm thị; chân tay giả, nẹp chỉnh hình, nạng, xe lăn cho người khuyết tật vận động.
Ngoài ra, cần nghiên cứu các mô hình cung cấp dịch vụ dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật như xã hội hóa bên cạnh nguồn lực nhà nước; dịch vụ cho thuê, tái sử dụng; đồng thời cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn dụng cụ hỗ trợ.
Tại Việt Nam, nghiên cứu với 162 người khuyết tật thực hiện năm 2021 của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên và Nguyễn Thị Ngọc Diệp thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho hay, 82% người khuyết tật nhẹ trả lời có cuộc sống bất ổn, 23% trong số đó không có khả năng lao động và 59% có việc làm bấp bênh. Nhu cầu khám chữa bệnh ở nhóm người khuyết tật nhẹ rất cao, nhưng đa phần không đủ khả năng chi trả.
Cũng trong phạm vi nghiên cứu trên, 95% người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều cho biết, chi phí khám chữa bệnh "cao và rất cao" so với khả năng của họ.
Lê Nga