Khi Are Hoidal trở thành nhân viên Cục Cải huấn Na Uy vào đầu những năm 1980, hệ thống nhà tù Na Uy đối mặt vấn đề lớn, khi ghi nhận gần 70% tù nhân được phóng thích tái phạm trong vòng hai năm, gần bằng tỷ lệ hiện nay ở Mỹ.

Hệ thống nhà tù Na Uy thời điểm đó có cấu trúc tương tự Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới, dựa trên quan niệm "công lý trừng phạt". Quan điểm này định nghĩa công lý là sự trừng phạt thích đáng đối với người gây hại cho xã hội, tức bản án phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội danh.

"Nhà tù lúc đó rất khắc nghiệt", Hoidal kể. "Bên trong trại giam là văn hóa cơ bắp, tập trung vào giám sát và an ninh".

Trước tỷ lệ tái phạm cao và tình trạng bạo loạn trong nhà tù, giới chức Na Uy cho rằng hệ thống "công lý trừng phạt" như vậy không hiệu quả. Olso sau đó cải tổ hoàn toàn hệ thống nhà tù quốc gia.

Ngày nay, hệ thống tư pháp và nhà tù của nước này đã trở thành hình mẫu cho phần còn lại của thế giới, với quan niệm "công lý phục hồi" giúp kéo giảm tỷ lệ tội phạm, tái phạm.

afp-com-20070726-ph-par-par143-5364-9247-1704789399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D7XuT6wj45SWZEmKoL6R8A

Một tù nhân làm nghề mộc trong xưởng ở nhà tù Bastoey, Na Uy, năm 2007. Ảnh: AFP

Na Uy có 57 nhà tù với tổng cộng 3.600 phòng giam. Con số này tương đối nhiều so với một quốc gia diện tích nhỏ và dân số chưa tới 5,5 triệu. Thay vì áp dụng mô hình trại giam tập trung, các nhà tù ở Na Uy có quy mô nhỏ, gần cộng đồng, hướng tới giúp phạm nhân phục hồi đạo đức, tái hòa nhập xã hội.

Giới chức Na Uy tin rằng phạm nhân cần được giam gần nhà, để có thể duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Nhiều nhà tù cũng cho phép phạm nhân tiếp khách ba lần mỗi tuần, cho phép vợ hoặc chồng đến thăm. Điều này nhằm giúp người bị giam nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ sau khi chấp hành xong hình phạt và được trả tự do.

Đợt cải cách những năm 1990 không chỉ cải tổ nhà tù. Na Uy cũng xóa bỏ án chung thân, thay thế bằng mức án tối đa 21 năm tù. Nước này gần đây sửa đổi luật, cho phép phạt tối đa 30 năm tù đối với một số tội ác như diệt chủng, chống lại loài người, các tội ác chiến tranh.

Nhưng hầu hết các bản án ở Na Uy không được tuyên ở mức kịch khung như vậy. Hơn 60% bản án ở quốc gia Bắc Âu có thời hạn giam giữ dưới ba tháng, gần 90% bản án thời hạn dưới một năm.

Hệ thống tư pháp, nhà tù mới cũng giúp Na Uy đạt tỷ lệ phạm nhân tái phạm thấp nhất thế giới, ở mức 20% trong vòng hai năm kể từ khi người thi hành xong án phạt tù được trả tự do. Tỷ lệ này ở Anh là gần 50%.

Theo thống kê của Statista, số tù nhân ở Na Uy trong thập kỷ qua đạt mức cao nhất là 4.192 người vào năm 2016, sau đó giảm dần và xuống mức 3.687 năm 2022. Nước này có tỷ lệ 54 tù nhân trên 100.000 dân, mức thấp thứ tư thế giới.

2011-07-27t120000z-732407960-g-5419-2583-1704789399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vTyZbJBX_FEBYhQPMXy_ZA

Bên trong một phòng giam ở nhà tù Halden, đông nam Na Uy, năm 2010. Ảnh: Reuters

Quan niệm "công lý phục hồi" được xem là yếu tố trọng yếu giúp Na Uy đạt tỷ lệ tái phạm thấp. Quan niệm này cũng thúc đẩy Na Uy tìm cách đảm bảo phẩm giá và các quyền lợi cơ bản cho tù nhân trong thời gian thụ án.

"Ở Na Uy, hình phạt là tước đoạt quyền tự do của một cá nhân, các quyền khác được giữ nguyên", Hoidal, người hiện trở thành giám đốc nhà tù Halden, một trong ba cơ sở giam phạm nhân lớn nhất Na Uy, nói.

Các tù nhân vẫn có quyền bầu cử, học tập, tập thể dục, gặp gia đình và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ở nhiều nhà tù, phạm nhân và nhân viên an ninh cùng nhau chơi thể thao, tập yoga. Giới chức Na Uy cho rằng cách tiếp cận này có thể giúp phạm nhân tái hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.

Năm 2011, Anders Breivik thực hiện vụ đánh bom, xả súng kinh hoàng tại Na Uy, cướp đi mạng sống của 77 người. Sát thủ này sau đó bị kết án 21 năm tù, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Nhưng hầu hết người Na Uy không nghĩ tòa án đã xử nhẹ với Breivik.

Breivik đang thụ án trong khu biệt giam hai tầng tại nhà tù Ringerike, nơi được trang bị nhà bếp, phòng TV với máy chơi game, phòng gym và sân bóng rổ. Giới chức cho rằng tình trạng biệt lập của Breivik chỉ mang tính tương đối và phù hợp với mối đe dọa của sát thủ này. Hai tuần một lần, Breivik được phép gặp hai tù nhân khác trong một giờ.

Khi Breivik mãn hạn, nếu giới chức nhà tù xác định anh ta chưa được cải tạo, bản án sẽ được kéo dài thêm 5 năm và tới hạn lại tiếp tục được xem xét. Vì vậy, trên thực tế, những tội phạm nguy hiểm nhất tại Na Uy như Breivik vẫn có khả năng phải thụ án chung thân.

breivik-2-3839-1704725241-1704-7193-6606-1704789399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vkS7HxHTsVHG1A-tqN48mg

Phòng TV có máy chơi game ở tầng 1 khu biệt giam của Breivik. Ảnh: AFP

"Về mặt tâm lý, việc tuyên bản án kịch khung 21 năm tù với Breivik tạo cảm giác hài lòng. Đó là tín hiệu mạnh mẽ với xã hội", Jo Stigen, giáo sư luật hình sự tại Đại học Oslo, nói. Theo một khảo sát trên tờ Verdens Gang của Na Uy, 62% người dân tin rằng Breivik "sẽ không bao giờ được tự do".

Hans Petter Graver, một giáo sư khác tại Đại học Oslo, lại đánh giá Breivik có khả năng được phóng thích trong chưa đầy 21 năm. "Nguyên tắc chính đằng sau hệ thống tư pháp Na Uy không phải nhốt tội phạm suốt đời, mà tạo cơ hội tái hòa nhập xã hội. Không ai biết Breivik sẽ ra sao trong 15-20 năm tới. Xã hội cũng thay đổi theo thời gian", Graver nhận xét.

Bất chấp những tranh cãi về trường hợp của Breivik, người dân Na Uy vẫn tin rằng quan niệm "công lý phục hồi" mang lại hiệu quả tốt. Chính phủ nước này tiếp tục chi 93.000 USD mỗi năm cho một tù nhân, gấp 3 lần Mỹ, điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm được.

"Rốt cuộc tù nhân vẫn là con người. Họ đã làm sai, họ phải bị trừng phạt, nhưng họ vẫn là con người", Hoidal nói. "Chúng tôi đảm bảo tù nhân thi hành mức án của mình, nhưng cũng giúp họ trở thành con người tốt hơn".

Đức Trung (Theo FSA, Atlantic, AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022