Thế hệ tỷ phú thừa kế sắp xuất hiện

Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu hàng năm về các tỷ phú của UBS Group AG, các tỷ phú mới tích lũy được nhiều tài sản thông qua thừa kế hơn là kinh doanh: Khoảng 151 tỷ USD được thừa kế bởi 53 người thừa kế trong năm tính đến ngày 6/4/2023, so với 141 tỷ USD tài sản của 84 tỷ phú tự thân.

Như ngân hàng Thụy Sĩ đã chỉ ra, sự chuyển giao khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú đang diễn ra khắp thế giới. Hơn một nghìn doanh nhân tỷ phú già dự kiến sẽ để lại 5,2 nghìn tỷ USD cho những người thừa kế trong vòng 2 đến 3 thập kỷ tới.

Điều đáng chú ý là cuộc khảo sát của UBS cho thấy thái độ trái ngược nhau giữa những người tự lập và những người thừa kế của họ. Mục tiêu chính của các tỷ phú thế hệ thứ hai là cho phép con cháu của họ được hưởng lợi từ cùng một khối tài sản, đồng thời tiếp tục và phát triển những gì tổ tiên đã đạt được. Nhưng chỉ 1/3 số người thừa kế tỷ phú coi “mục tiêu từ thiện/tạo ảnh hưởng đến thế giới và xã hội” là mục tiêu chính của họ. Đối với các tỷ phú thế hệ đầu tiên, tức người tự kiếm ra tiền, tỷ lệ này là 68%. Tương tự, chỉ 16% những người thừa kế đang ưu tiên “tạo điều kiện hoặc hỗ trợ người khác” thông qua di sản văn hóa hoặc tài trợ thể thao, so với 48% tỷ phú thế hệ đầu tiên.

1x1-17023682035251940392069-2005-1702513700225-1702513700648629110276.jpg

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đồng thời, UBS xác định xu hướng của các tỷ phú thế hệ thứ hai là đầu tư thay vì tác động xã hội hoặc quản lý doanh nghiệp “theo cách giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội”.

Bloomberg cũng lưu ý rằng mẫu khảo sát chỉ có 79 người trả lời nên phải thận trọng khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy ý thức trách nhiệm giữa các thế hệ tỷ phú là khác nhau.

Rich kid thiếu kỹ năng quản lý tài sản khổng lồ

Sự khác biệt trong giá trị quan này không khó giải thích. Một tỷ phú tự thân sở hữu hoạt động kinh doanh thành công đã dành cả đời để lăn lộn thương trường, phải cố gắng nắm bắt từng cơ hội và đối mặt với những thất bại không thể tránh khỏi. Họ có thể sẽ có một danh mục đầu tư đa dạng, ít rủi ro hơn để bảo toàn tài sản mà doanh nghiệp đó mang lại dưới dạng cổ tức. Những tài sản này có thể lần lượt tài trợ cho hoạt động từ thiện nhằm hỗ trợ các mục đích mà doanh nhân quan tâm và đáp ứng những mong đợi của xã hội đối với những người giàu có.

Trong khi đó, những đứa con được thừa kế từ bố mẹ tỷ phú thì gần như chắc chắn không có cùng trải nghiệm khó khăn như vậy. Họ ít khả năng chấp nhận rủi ro và “chịu” mắc sai lầm hơn hay có đủ dũng cảm để đầu tư mạo hiểm, cũng như đối mặt những thất bại. Ngay cả việc kiếm tiền từ tiền cũng có vẻ dễ dàng đối với họ. Suy cho cùng, giá trị tài sản đã tăng vọt trong kỷ nguyên lãi suất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nói một cách dễ hiểu, các tỷ phú đời thứ nhất là doanh nhân, còn người thừa kế của họ - con cháu vốn mang danh rich kid chỉ đơn thuần là người thừa kế. Họ có thể vẫn tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình hoặc có thể đơn giản hơn là nhận được số tiền thu được từ việc bán cổ phần được thừa kế. Dù thế nào đi nữa, họ thường sẽ bắt đầu với tư cách là một nhà quản lý tài sản chứ không phải một doanh nhân. Họ không giỏi trong việc điều hành doanh nghiệp, quản lý danh mục đầu tư an toàn và làm từ thiện. Có rất ít nhà từ thiện thuần túy trong số những người thừa kế tỷ phú.

rrosalesthrcrazyrichasians1315-h2018thr-17023684917072045458679-2005-1702513701257-1702513705042735683255.jpg

Ảnh minh họa

Nhu cầu hợp pháp hóa và hợp lý hóa sự giàu có của thế hệ rich kid trong mắt xã hội sẽ ngày càng lớn hơn nhiều. Họ không thể bảo vệ sự giàu có của mình bằng cách nói rằng mình kiếm được chúng bằng cách làm việc chăm chỉ.

Trong khi đó, thế giới không cho phép nhóm này có nhiều tiền hơn những giá trị họ mang lại. Thuế thừa kế cao ngất ngưởng ở nhiều quốc gia chính là “cán cân công lý” giúp bình ổn lại bất bình đẳng giàu - nghèo này. Ví dụ, sau khi cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee qua đời, 3 con và vợ của ông đã phải chật vật trả gần 10 tỷ USD thuế thừa kế. Hàn Quốc sở hữu thuế thừa kế lớn bậc nhất thế giới với mức thuế có thể lên tới 60% giá trị tài sản thừa kế.

Hơn một nửa số tỷ phú được khảo sát coi một trong những thách thức lớn nhất của họ là truyền lại cho những người thừa kế những giá trị, trình độ học vấn và kinh nghiệm để tiếp quản cơ ngơi cả đời đã gây dựng. Người giàu, đặc biệt là người siêu giàu có nghĩa vụ phải truyền lại nhiều thứ hơn chứ không là chỉ của cải.

Nguồn: Bloomberg

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022