Mọi nhu cầu của các thành viên được dồn vào một không gian chung.
Mỗi cuối tuần, trong khi những bạn học khác có thể “ngủ nướng” hoặc đi chơi với gia đình, Wan Nur Wardina phải hoàn thành tất cả việc nhà vào buổi sáng.
Dọn dẹp, quét sân, lau sàn - đây là trách nhiệm của cô gái 17 tuổi từ khi còn nhỏ.
Hai mẹ con chuyển đến căn hộ cho thuê khi Wardina 8 tuổi, trước đó họ sống trong nhà trọ của ông nội.
Từ 4 năm trước, nữ sinh này phải gánh thêm nhiệm vụ chăm sóc em trai 5 tuổi để mẹ yên tâm làm việc. Vào cuối tuần, Wardina hiếm khi được ra ngoài và đi chơi cùng bạn bè.
“Em cảm thấy rất cô đơn”, Wardina bày tỏ.
Tuổi thơ cơ cực
Wardina hiện theo học tại Học viện Sư phạm Kỹ thuật. Nỗi lo về tài chính, không đủ tiền mua thức ăn luôn ám ảnh cô gái suốt thời gian dài. Mỗi khi đến kỳ nghỉ ở trường, Wardina đều xin công việc làm thêm ở bưu điện địa phương.
“Em sợ mình không thể tiếp tục đi học hoặc không đủ tiền đóng khoản phí nào đó. Tất cả trách nhiệm đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của em”, cô nói thêm.
Wardina là một trong ba đứa trẻ mà CNA đã gặp gần đây để tìm hiểu tác động của việc sống tại các căn hộ cho thuê công cộng đến khả năng học tập và sức khỏe tình thần.
Munah Bagharib, người dẫn chương trình, nhận xét nhìn chung, hầu hết đều thích nghi nhanh với những nguồn lực mình đang có. Nhưng đằng sau đó là sự căng thẳng bị che giấu một cách kỹ lưỡng.
Hiện có 23.900 trẻ em từ 18 tuổi trở xuống sống trong mô hình nhà ở này. Đây là nơi dành cho người dân ở đất nước sư tử không có đủ khả năng mua nhà.
Tiền thuê phụ thuộc vào thu nhập của hộ gia đình, với giá hàng tháng dao động từ 26 đôla Singapore đến 205 đôla Singapore cho chỗ ở một phòng và 44 đôla Singapore đến 275 đôla Singapore với 2 phòng.
Các căn hộ cho thuê của chính phủ Singapore có diện tích khá nhỏ. Ảnh: Asia One.
Wong Hai Feng (8 tuổi) chuyển đến căn hộ 2 phòng khi mới một tuổi. Cậu bé biết điều đó vì được bố mẹ nói.
“Nó có nghĩa là nhà thuê từ chính phủ dành cho những người có thu nhập thấp và mọi người không có nhiều tiền”.
Khi đưa người dẫn chương trình đi tham quan xung quanh, bé trai nói rằng có thể không đủ chỗ nghỉ ngơi cho cả gia đình trong tương lai.
“Bởi vì con ngày càng cao hơn. Khi đó, con muốn có một phòng ngủ lớn”, Wong chia sẻ.
Căn hộ như Wong đang ở thường bao gồm một phòng ngủ, nhà bếp và phòng khách, có diện tích bằng 3 bãi đậu xe hơi. Những hạn chế về không gian là điều được bọn trẻ chú ý nhiều nhất, Munah nhấn mạnh.
Đối với Vivian Tan, sống trong ngôi nhà rộng 46 m2 với 4 thành viên khác đồng nghĩa với việc em không thể mời bạn bè đến chơi.
Nếu có ai đó hỏi, cô bé 13 tuổi, đã ở nhà thuê từ khi mới sinh, sẽ lấy cớ từ chối là bố mẹ không cho phép.
Vivian cho biết phòng khách là khu vực chật chội nhất do mọi thứ được xếp chen chúc nhau từ TV, ghế ngồi đến bàn học.
Không gian chật chội
Catherine Foo, người đứng đầu chương trình CareKids thuộc Hiệp hội Dịch vụ Cộng đồng Chăm sóc, cho biết khoảng một nửa trẻ em từ các hộ gia đình có thu nhập thấp mà cô từng tiếp cận đang sống trong mô hình nhà ở như vậy.
“Cư ngụ lâu trong không gian chật chội khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Chúng có xu hướng phát triển sự cô đơn và trầm cảm. Điều đó đôi khi ảnh hưởng đến kết quả học tập”, Catherine giải thích.
Ngoài mối quan tâm về không gian, nhóm này còn có thể bị mất kiểm soát vì nghĩ rằng không thể làm gì để thay đổi tình hình và dẫn đến các vấn đề về lòng tự trọng.
Không có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện về tiềm năng học tập và cảm xúc của những đứa trẻ sống cả đời trong nhà thuê.
Để hiểu rõ điều này, CNA đã đưa Wong Hai Feng, Vivian và Wardina đến đánh giá tại Thomson Kids Special Learning.
Frances Yeo, nhà tâm lý học và giám đốc của trung tâm, cho hay bảng câu hỏi sẽ bao gồm cảm xúc của họ về trường học, cha mẹ, bạn bè và cả cách chúng nhìn nhận bản thân.
Wong và Vivian đã làm tốt bài kiểm tra thành tích và cũng thể hiện xuất sắc ở trường. Tuy nhiên, Wardina đạt điểm thấp hơn nhiều ở tất cả lĩnh vực so với các bạn cùng trang lứa.
Wardina xuất thân từ một gia đình cơ bản. Bố mẹ cô phải vật lộn để mưu sinh từ khi cô còn nhỏ.
“Wardina mắc chứng khó đọc, vì vậy có một khoảng cách rất lớn về trình độ đọc và viết của cô bé”, Yeo nhận xét.
Căn hộ của Vivian không đủ chỗ để đại gia đình dùng bữa tối. Bố mẹ cô phải ăn sau các con. Ảnh: CNA.
Trên thực tế, cả ba đều có dấu hiệu về các vấn đề hành vi, chẳng hạn căng thẳng phát sinh từ kết quả trên lớp.
“Chúng cũng lo lắng rất nhiều cho tương lai, đấu tranh với lòng tự trọng, cũng như cách người khác nhìn nhận về mình”.
Còn với Wong, bài tập về nhà khiến cậu bé căng thẳng bởi vì không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Yeo cũng bày tỏ lo ngại về việc cậu gặp khó khăn trong việc tập trung, tính bồn chồn và dễ bốc đồng - dấu hiệu của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo Yeo, việc lớn lên trong một căn hộ cho thuê góp phần vào các vấn đề này. “Đa số đứa trẻ trong hoàn cảnh như vậy thường không có một khu vực học tập thuận lợi để có thể trở về nhà và tập trung vào bài vở”, cô nói.
Trường hợp của Wardina còn có thêm yếu tố chăm sóc em trai.
“Khi trẻ được giao trách nhiệm ở độ tuổi còn rất nhỏ, điều đó có thể khá căng thẳng đối với chúng, cộng với việc phải cân bằng việc học ở trường. Theo thời gian, nó có thể gây ra căng thẳng tích tụ hoặc trầm cảm”, Yeo nói thêm.
Hoàng tử Achileas-Andreas là hậu duệ của Vua Constantine II. Anh cũng là cháu ngoại của ông trùm bán lẻ Robert Miller - người có tài sản gần 2 tỷ USD.