Cảnh sát Tây Ban Nha ngày 5/11 cho biết hai nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã đến viện bảo tàng Prado, thủ đô Madrid, để biểu tình kêu gọi ứng phó biến đổi khí hậu bằng cách tự dán tay lên phần khung của hai bức tranh. Hai người này đã bị bắt và các tác phẩm nghệ thuật không chịu tổn hại.
Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội bởi tổ chức Extinction Rebellion cho thấy hai nhà hoạt động dán tay trên phần khung gỗ của tranh Maja khỏa thân và Maja cùng xiêm y của danh họa Tây Ban Nha Francisco Goya. Họ giải thích hành động này nhằm nhắc nhở mọi người tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ "khiến khí hậu bất ổn, kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho cả hành tinh".
Những nhà hoạt động còn phun sơn đen lên phần tường giữa hai bức tranh với thông điệp "+1,5°C", ám chỉ mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Các nước ký kết thỏa thuận năm 2015 nhất trí nỗ lực ngăn nhiệt độ trung bình tăng quá 1,5 độ C so với giai đoạn trước cách mạng công nghiệp.
Người biểu tình dán tay vào khung gỗ trên hai bức tranh của danh họa Tây Ban Nha Francisco Goya, được trưng bày trong bảo tàng Prado ở Madrid ngày 5/11. Ảnh: AFP.
Hàng loạt vụ biểu tình phá hoại tác phẩm nghệ thuật đã diễn ra tại châu Âu trong vài tuần qua. Danh sách những kiệt tác bị nhắm đến có bức họa Mona Lisa của Leonardo da Vinci được trưng bày ở Paris và Thiếu nữ mang hoa tai ngọc trai của Johannes Vermeer, đặt tại bảo tàng Mauritshuis của Hà Lan.
Tháng 10, một nhóm hoạt động chống khai thác dầu mỏ đã tạt súp cà chua vào bức Hoa hướng dương của Vincent Van Gogh tại Bảo tàng Quốc gia Anh ở London. Ngày 4/11, một nhóm hoạt động môi trường cũng tạt súp đậu lên tranh Người gieo hạt của danh họa Vincent van Gogh, được trưng bày ở thủ đô Rome của Italy. Cảnh sát sau đó bắt 4 người liên quan vụ phá hoại tài sản.
Những nhà hoạt động môi trường cho rằng khủng hoảng khí hậu đã trở nên cấp bách, trong khi các chính phủ vẫn chưa hành động đủ quyết liệt nên họ cần gửi đi thông điệp đủ ấn tượng để thu hút dư luận. Những kiệt tác đều được đặt trong lớp kính cường lực bảo vệ và không chịu tổn hại nào.
Tổ chức đứng sau vụ biểu tình tại Rome khẳng định hành động của họ không mang tính phá hoại mà "là tiếng kêu tuyệt vọng và mang tính khoa học" về thực trạng môi trường. Họ cảnh báo các vụ biểu tình tương tự sẽ diễn ra, cho đến khi vấn đề biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm xứng đáng của dư luận.
Thanh Danh (Theo Le Monde, AFP)