Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc tuần này tuyên bố sẽ ngừng bán sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, hoặc tính phí dịch vụ với khách hàng là người Mỹ tương đương thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ tính thêm 104% phí dịch vụ đối với khách hàng là công dân Mỹ kể từ hôm nay. Nếu thắc mắc, vui lòng hỏi đại sứ quán Mỹ", chủ một cửa hàng thịt bò nướng ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, dán thông báo dán ngoài cửa cuối tuần qua, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tăng thuế nhập khẩu lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.

TQ-1744425558-6189-1744426296.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d3rKNAWg6YjoC4I3jG1oBg

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Những thông điệp tương tự được dán tại các nhà hàng, quán bar, cơ sở kinh doanh trên khắp Trung Quốc, kể từ khi cuộc chiến thuế với Mỹ tăng nhiệt. Trên mạng xã hội, người Trung Quốc thảo luận sôi nổi về những đòn đáp trả thuế giữa hai nước, phần lớn bày tỏ nỗi tức giận với các quyết định áp thuế của ông Trump, cũng như thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đăng lại video bài phát biểu của cố chủ tịch Mao Trạch Đông nói đến việc Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên trong cuộc họp cấp cao đầu năm 1953.

"Cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu, chúng ta không phải là bên có thể quyết định... Cho dù cuộc chiến này kéo dài bao lâu, chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta sẽ chiến đấu cho tới khi chiến thắng", ông Mao nói.

Cuộc chiến "kháng Mỹ viện Triều" năm 1950-1953 là lần đầu tiên và duy nhất cho tới nay quân đội Trung Quốc và Mỹ tham gia một cuộc đối đầu trực diện quy mô lớn.

"Chúng tôi là người Trung Quốc. Chúng tôi không sợ trước những hành động khiêu khích. Chúng tôi không lùi bước", là thông điệp mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đăng lên mạng xã hội X ngày 10/4. Bài đăng được một số sứ quán Trung Quốc trên thế giới đăng lại, trong đó có đại sứ quán Trung Quốc tại Washington.

Một video khác được truyền thông nhà nước Trung Quốc chia sẻ rộng rãi là clip từ bộ phim lịch sử Hoành không xuất thế năm 1999, kể về quá trình Trung Quốc bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân những năm 1950 và 60.

Một trong những nhân vật chính của phim là vị tướng chỉ huy lữ đoàn quân đội đang tìm kiếm địa điểm thử hạt nhân phù hợp, cho rằng "Mỹ là một quốc gia đẹp nhưng không nên hành động theo cách mà họ đang làm là luôn muốn bắt nạt người khác một cách vô lý".

"Hành động ấy chỉ khiến người ta muốn hét vào mặt họ: 'Không! Tôi không thể nuốt trôi cơn giận này", vị tướng nói trong phim.

MV5BYWJlNDZhNzYtYmUxMS00OWQwLT-2640-6575-1744424376.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KHG-R0dM4IBdQM8ifKrAhQ

Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông trong một cảnh của bộ phim Hoành không xuất thế. Ảnh: CCTV

Trên trang Douyin, chủ một công ty sản xuất giày dép tuyên bố không hợp tác với đối tác Mỹ nữa.

"Tôi thà mất lô hàng này còn hơn là vận chuyển sang Mỹ. Tôi tin rằng đối với một doanh nghiệp, ngoài kiếm tiền, lòng yêu nước là yêu cầu cơ bản. Là một công dân Trung Quốc, tôi quyết định không đi bất kỳ đơn hàng xuất khẩu nào tới Mỹ nữa", chủ doanh nghiệp cam kết với hơn 810.000 người theo dõi tài khoản công ty.

Một số người bán điện thoại cũng đăng video trên Douyin, cho thấy họ đang đưa iPhone khỏi kệ hàng. "Thuế, thuế, ngày nào cũng tăng thuế. Tôi sẽ không bán điện thoại Mỹ nữa!", một chủ cửa hàng vừa nói vừa lấy iPhone từ quầy cất vào hộp.

Những video kiểu này nhận được hàng nghìn lượt thích, nhưng bị một số người dùng Douyin chế giễu. "Nhiều iPhone được sản xuất tại Trung Quốc. Có gì sai khi sử dụng điện thoại do Trung Quốc sản xuất?" một người đặt câu hỏi.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, bài hát có tên "Phản đối Mỹ tăng thuế" là một trong những chủ đề nóng nhất từ ngày 9/4. Lời bài hát chỉ trích động thái tăng thuế của Mỹ, lấy cảm hứng từ ca khúc yêu nước Tinh trung báo quốc do ca sĩ Đồ Hồng Cương trình bày.

image-1-1744424221-2528-1744424376.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6CEn23w95MFxPIMCJbKWZA

Wu Liying, chủ công ty bán tất trong chợ bán buôn Nghĩa Ô tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, ngày 10/4. Ảnh: AP

Phản ứng của các chủ doanh nghiệp đối với cuộc chiến thuế quan cũng thu hút nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi nhiều người dùng Weibo ca ngợi các thông điệp mà chủ doanh nghiệp đưa ra là "yêu nước", "ngầu" hoặc "kịp thời", có người cho rằng họ đang tận dụng cơ hội để thu hút chú ý.

"Đây chỉ là lời nói suông", một người viết. "Dù sao thì họ cũng không có khách hàng nào ở Mỹ cả".

"Nền kinh tế không mấy khả quan, chúng ta nên chào đón khách du lịch Mỹ đến Trung Quốc, như iShowspeed", một người khác nói, nhắc đến tài khoản YouTube của Darren Jason Watkins Jr. Anh giới thiệu tới khán giả Mỹ góc nhìn về xe điện do Trung Quốc sản xuất và những công nghệ tiên tiến khác khi livestream chuyến du lịch khắp Trung Quốc hồi tháng 3.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022