Nội dung được Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình về dự án sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sáng 10/5. Ông cho biết Chính phủ hướng đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính. Dự luật tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết để thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại.

"Chúng ta cố gắng loại bỏ các quy định kỹ thuật, biện pháp quản lý chặt chẽ quá mức cần thiết, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", lãnh đạo Chính phủ nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh hoạt động công bố hợp quy phải được thực hiện trên môi trường điện tử; giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

bb8146aa0f0bbd55e41a-174686421-1667-5382-1746864463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E4lfVEbtGDryicJpmk1POg

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Giang Huy

Về việc có cần thiết công bố hợp quy, Phó thủ tướng nói đây là một công cụ để Nhà nước quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn giám sát, việc này sẽ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người dân, cộng đồng, môi trường. Đây là thực tiễn và hầu hết các nước Liên minh châu Âu, hay Trung Quốc, Hàn Quốc đều có. Vì vậy, đây là nội dung bắt buộc Việt Nam phải tuân thủ.

Tại dự án Luật này, ông Dũng nhấn mạnh công tác quản lý nhà nước tiếp tục được thực hiện chặt chẽ nhưng phải thuận lợi, đảm bảo minh bạch cho hoạt động của doanh nghiệp; tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. "Quy định của Luật không gây cản trở, rào cản, làm mất đi cơ hội cho doanh nghiệp", Phó thủ tướng nói.

Phát biểu trước đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Phó đoàn Trà Vinh) đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi công bố sai lệch hoặc gian dối trong công bố hợp chuẩn, hợp quy. Ông nói trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng thiết yếu, việc thiếu chế tài là một kẽ hở nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả về an toàn sức khỏe cộng đồng, niềm tin thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Vì vậy, ông đề nghị quy định rõ tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý công bố sai lệch về kết quả đánh giá hợp chuẩn, hợp quy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hướng dẫn về mức độ xử lý vi phạm theo từng hành vi, từ thu hồi giấy công bố, phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (giảng viên Trường đại học Đà Lạt) đồng tình giảm bớt thủ tục liên quan đến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Bà nhìn nhận một số thủ tục về quy chuẩn đang tạo ra những rào cản kỹ thuật không đáng có. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đối với hàng hóa thuộc danh mục nhóm 2 (có rủi ro). Đối với doanh nghiệp chi phí thử nghiệm chứng nhận công bố hợp quy là một gánh nặng tài chính. Thời gian kéo dài để hoàn tất các thủ tục này làm chậm quá trình đưa sản phẩm ra thị trường và giảm sức cạnh tranh.

Bà đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng bắt buộc của các quy chuẩn Việt Nam; rà soát tổng thể xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa nào thật sự có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn quốc gia và môi trường để áp dụng quy chuẩn Việt Nam bắt buộc. Những sản phẩm có rủi ro thấp hoặc trung bình nên được chuyển sang các hình thức quản lý khác linh hoạt hơn.

Bà đề nghị Chính phủ mạnh dạn thu hẹp danh mục hàng hóa rủi ro cao; chuyển đổi căn bản từ cơ chế Nhà nước kiểm soát quá trình sang cơ chế doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn áp dụng và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật này vào ngày 12/6.

Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022