Xu hướng nhiều người rời khỏi vùng nông thôn, tình trạng già hóa dân số và biến đổi khí hậu ở Nhật Bản đang ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và thời gian ngủ đông của gấu và thúc đẩy ngày càng nhiều cá thể đến gần các thị trấn kiếm ăn.

Một số khu vực khi nhận số lượng gấu tăng gấp 3 lần trong hơn một thập kỷ. Số người nhìn thấy gấu đã tăng gần gấp đôi trong năm nay. Hàng loạt vụ gấu tấn công người đã làm dấy lên làn sóng báo động.

6 người đã thiệt mạng, 212 người bị thương do gấu tấn công trong năm nay, đánh dấu năm thương vong cao nhất kể từ khi Nhật ghi nhận dữ liệu năm 2006. Các chuyên gia cho rằng số vụ gấu tấn công gia tăng năm nay do lượng hạt sồi và những thức ăn khác của gấu giảm, trong khi lượng thức ăn năm ngoái tăng vọt khiến số gấu con tăng mạnh. Số lượng gấu nâu tại Hokkaido hiện đạt 11.700 con, tăng hơn gấp đôi so với năm 1990.

Nước này tiêu diệt trung bình 4.900 cá thể mỗi năm trong 5 năm qua, theo Bộ Môi trường. Trong năm tài khóa 2023 (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024), tính đến cuối tháng 11, gần 6.300 cá thể đã bị tiêu diệt, trong đó có 2.000 cá thể bị loại bỏ chỉ trong tháng 11. Cách thức thông thường là sử dụng súng.

"Năm nay, con số này dự kiến lên tới 8.000 con", Junpei Tanaka, chuyên gia về gấu tại Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã Picchio, nói, chỉ ra điều này tạo nỗi bất an tại một quốc gia sống hòa hợp với thiên nhiên như Nhật Bản, với 3/4 diện tích là đồi núi.

34373vk-highres-1703143024-7094-1703143424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Rr8R14yMjBuMury-Bo9FcQ

Tanaka giới thiệu về hoạt động bảo tồn gấu ở Karuizawa, tỉnh Nagano, Nhật Bản, hồi tháng 11. Ảnh: AFP

Ông đặt dự án ở Karuizawa, thị trấn bao quanh bởi rừng cây dưới bóng núi lửa ở tỉnh Nagano, cách Tokyo 90 phút đi tàu cao tốc.

Vào ban đêm, thời điểm gấu hoạt động tích cực nhất, Tanaka giới thiệu về các biện pháp mà tổ chức của ông sử dụng, khẳng định chúng có thể đảm bảo an toàn cho cả người và gấu.

"Người Nhật đã chung sống với động vật hoang dã trong một thời gian dài và tin vào hiện diện thần linh trong các sinh vật, tránh sát sinh không cần thiết", ông nói, chỉ vào các bẫy gấu hình ống trụ được nhóm ông thiết lập, bên trong có mật ong. Những con gấu bị bắt sẽ được gắn vòng giúp định vị rồi thả đi xa.

Thị trấn cũng đã lắp đặt các thùng rác kiểu mới, được thiết kế để gấu không thể sử dụng chân để mở.

Yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Tanaka là đội chó Karelian được huấn luyện đặc biệt. Đây là giống chó mạnh mẽ và gan dạ, có nguồn gốc từ Phần Lan, thường được sử dụng để giữ gấu tránh xa các khu vực có người ở Mỹ. "Chúng là những 'đồng nghiệp' rất đáng tin cậy", Tanaka nói.

343a3zy-highres-1703142975-2450-1703143425.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GC6rSxZE36uhgCZbNlDHgQ

Tanaka và chó Rela trong rừng ở Karuizawa, hồi tháng 11. Ảnh: AFP

Bình minh lên, Tanaka điều chỉnh chiếc ăng-ten dài một mét trên xe tải nhỏ để phát hiện tín hiệu nếu có gấu đeo vòng cổ tiếp cận vùng dân sự. Chó Rela đi cùng ông chợt phát hiện có mùi lạ. "Mày ngửi thấy mùi gấu à? Đi nào!", ông nói.

Cặp đôi sau đó lao khỏi ngọn đồi và nhìn thấy một con gấu. Con vật bỏ chạy sau khi chó Rela sủa dữ dội.

Giới chức địa phương cho hay chiến thuật "chăn gấu" này là duy nhất ở Nhật Bản và đang thu hút sự quan tâm của một số khu vực khác. "Nhờ dự án của ông Tanaka, chúng tôi đã có thể kiểm soát, giám sát hành vi của gấu nhờ gắn vòng định vị và đẩy chúng khỏi thị trấn", một quan chức nói.

Nhật Bản có hai loài gấu là gấu ngựa và gấu nâu sống. Gấu ngựa luôn sống trong rừng và thường trốn tránh con người. Trong khi đó, gấu nâu, loài có kích cỡ lớn hơn, xuất hiện gần con người nhiều hơn và có thể dọa dẫm hay tấn công. "Hầu hết chúng sẽ chạy trốn khi thấy người, nhưng sẽ tấn công khi hoảng sợ", ông Tanaka nói.

34839ar-highres-1703143011-6712-1703143425.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lboYXuEn_9HluEyzv9YMdw

Trung tâm Picchio kiểm tra một cá thể gấu ở Karuizawa, hồi năm 2019. Ảnh: AFP

Đức Trung (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022