Đền Shree Krishna ở bang Kerala, gần đây gây chú ý vì sử dụng voi robot tên Irinjadappilly Raman để thực hiện các nghi lễ của đạo Hindu. Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) đã tặng con voi robot cao hơn 3 m và nặng 800 kg cho đền Shree Krishna như một phần trong nỗ lực thuyết phục tất cả ngôi đền ở Kerala "ngừng tàn ác với động vật".

Voi Irinjadappilly Raman có thể làm các động tác giống voi thật như vẫy đuôi, vỗ tai, lắc đầu, cử động vòi và mở to mắt. Con voi robot này cũng có thể di chuyển nhờ các bánh xe gắn vào chân.

Voi Irinjadappilly Raman trị giá khoảng 500.000 rupee (6.000 USD) được dùng trong các buổi cầu nguyện hàng ngày và sẽ được trang trí lộng lẫy vào dịp lễ hội ở đền Shree Krishna. Hồi đầu tháng này, voi Irinjadappilly Raman đã được làm lễ dâng lên các vị thần.

an-do-tranh-cai-vi-den-thieng-dung-voi-robot-1677642221.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G9kKOa_hD3891wpO72uH9g
Ấn Độ tranh cãi vì đền thiêng dùng voi robot

Voi robot Irinjadappilly Raman tại đền Shree Krishna hồi tháng 2. Video: Twitter/PETA India.

Những nhà hoạt động vì quyền động vật phản đối sử dụng voi thật để thực hiện các nghi lễ Hindu giáo. Họ lo ngại những con vật này phải đứng im hàng giờ dưới cái nóng như thiêu đốt. Trong những dịp lễ lớn, chúng có thể hoảng sợ vì tiếng đám đông ồn ào, tiếng pháo nổ.

"Điều kiện nuôi nhốt tồi tệ khiến voi phát triển và bộc lộ những hành vi bất thường, khiến chúng cố gắng tháo chạy, làm hại con người, tài sản và các con vật khác", PETA ra tuyên bố.

Rajkumar Namboothiri, đại diện đền Shree Krishna, nói với truyền thông địa phương rằng ông rất vui khi có thể tiến hành các nghi lễ mà không làm hại bất kỳ động vật nào.

Tuy nhiên, một số người chế giễu ý tưởng này, đồng thời chỉ ra vị trí đặc biệt của loài voi trong văn hóa Kerala. Nhiều người cho rằng voi là biểu tượng cho địa vị và sự giàu sang ở Kerala, thậm chí một số con voi được sử dụng nhiều trong các nghi lễ còn nổi tiếng tới mức có nhóm người hâm mộ riêng.

Rajesh Gopalakrishnan, thành viên ban tổ chức lễ hội Thrissur Pooram hàng năm, phản đối ý tưởng dùng voi robot thay thế voi thật. Lễ Thrissur Pooram sử dụng 50 con voi trong đám rước.

"Thật là trò nực cười. Trong các ngôi đền, tượng các vị thần phải được rước trên lưng voi, một con voi thật, không phải một cỗ máy. Đây là nỗ lực phá hoại văn hóa Kerala và nó sẽ không đi tới đâu", Gopalakrishnan nói.

Ngọc Ánh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022