Năm 2012, Zhai Feng, một công nhân đường sắt ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đưa ra quyết định khiến mọi người sững sờ: nghỉ việc, bán nhà và xe, mua thuyền buồm đưa vợ cùng con gái 8 tuổi đi khắp thế giới.
Gia đình nhỏ từng sống lênh đênh trên biển, sau đó chuyển sang du ngoạn bằng máy bay vòng quanh Australia, rồi dựng trại lướt sóng cho thanh thiếu niên ở Bali, Indonesia. Sau gần một thập kỷ sống đời phiêu bạt, họ trở về Trung Quốc vào năm 2019. Hiện tại, Zhai Feng sống cùng vợ và con gái út bên bờ biển Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. Con gái lớn Xinxin, 21 tuổi, đang làm việc tại một resort trên đảo ở Maldives dù không có bằng đại học. Trong mắt cha mẹ, cô là minh chứng sống cho một kiểu giáo dục khác: học từ cuộc sống, học trong hành trình và lớn lên cùng thử thách.

Gia đình bốn người của Zhai Feng. Ảnh:
Thay vì tới trường, Xinxin học văn hóa qua sách, qua việc giao lưu với các thành viên đoàn làm phim đồng hành cùng gia đình, có người là tay trống, có người từng là phóng viên, người bán đồ nướng... Mỗi người dạy cô một kỹ năng. Mỗi lần neo thuyền, cô lại là người kéo neo, kiểm tra buồm, hay ngồi bên cột buồm đọc sách, vẽ và quan sát mây trời. "Tôi từng rất nhút nhát, không dám nói chuyện trước đám đông. Giờ tôi có thể đứng lớp, quản lý trại hè và kiếm thu nhập riêng từ những kỹ năng đã học", Xinxin nói. Dù không có bằng cấp, cô vẫn trúng tuyển vào vị trí truyền thông tại một trại hè ở Mỹ, rồi tiếp tục làm việc tại Maldives, nhờ kinh nghiệm thực tiễn và sự tự tin có được từ những năm lênh đênh trên biển.

Nghỉ học đi du lịch cùng bố mẹ từ năm 8 tuổi, hiện Xinxin 21 tuổi, có công việc ổn định. Ảnh: HK01
Cuộc sống phi truyền thống của họ không hề dễ dàng. Đã có lúc tài chính cạn kiệt, cả nhà phải ở tạm Hong Kong, ban ngày sửa thuyền, ban đêm viết bài kiếm thu nhập. Có lần, người vợ, Hongyan bế con chạy ra sân bay vì mâu thuẫn quá lớn với chồng. Có khi họ đụng độ tàu hàng khổng lồ ở eo biển Malacca, hay bị lính vũ trang Myanmar cảnh báo rời khỏi vùng biển nguy hiểm. Dù vậy, gia đình nhỏ chưa từng đánh mất lòng tin vào hành trình đã chọn. "Nếu quay ngược thời gian, tôi vẫn sẽ đi. Tôi không muốn con bị trói buộc trong một thị trấn nhỏ, sống cuộc đời mà ai cũng đoán trước được", Zhai nói.
Dù mạnh mẽ, người cha 47 tuổi cũng thú nhận anh từng mắc trầm cảm, mất ngủ, từng ngã quỵ sau chuyến bay thất bại ở Australia năm 2017. Nhưng rồi chính khoảnh khắc nhìn thấy những tầng mây như cá voi lướt ngang bầu trời đã khiến anh đứng dậy, quyết sống một cuộc đời "ở trên thiên đường".
Giờ đây, dù nợ nần, Zhai Feng vẫn lạc quan và lan tỏa lối sống giàu trải nghiệm đến giới trẻ. Người đàn ông cho biết anh chưa từ bỏ giấc mơ ban đầu là xây dựng trường học trên khinh khí cầu, nơi trẻ em có thể bay giữa trời, vừa học vừa khám phá thế giới. "Ai cũng nói phải ổn định, có nhà, có bằng cấp, có lương hưu. Nhưng tôi nghĩ, nếu bạn có thể lớn lên với lòng tốt, với sự dũng cảm, thì đó là thành công rồi", anh nói.
Phạm Linh (Theo HK01 )