Anh Lý (Chiết Giang, Trung Quốc) cùng vợ mở quán mì quán trên phố sau khi nghỉ công việc văn phòng. Cửa hàng tuy nhỏ nhưng đông khách nên đời sống của gia đình được đảm bảo.
Chia sẻ trên tờ Sohu, anh cho biết chưa bao giờ hiểu cảm giác được mẹ yêu thương. Kể từ khi có thể nhớ được mọi thứ, mẹ anh đã mất trong vụ tai nạn. Để nuôi anh, bố không chọn tái hôn mà một mình lên thành phố bán kẹo kéo nhằm kiếm tiền. Còn anh Lý vẫn ở quê sống cùng ông nội.
Lớn lên dưới sự dạy dỗ của ông nội, cậu bé Lý là một người ngay thẳng và yêu thương mọi người. “Cố gắng hết sức để giúp đỡ những người gặp khó khăn khi có thể. Dù nhà mình nghèo khó nhưng con không được trộm cắp”, đó lời của ông nội dạy mà anh Lý luôn khắc ghi.
Anh cũng coi những lời nói này như kim chỉ nam. Trong cuộc sống, anh luôn giúp đỡ mọi người xung quanh khi có thể. Những người ăn xin thường đến quán ăn của anh để xin suất ăn. Tất nhiên, anh rất vui vẻ giúp đỡ họ.
Nhiều khi vợ anh tỏ ra khó chịu bởi có những ngày chưa mở hàng nhưng đã có người đến xin ăn. Những lần như vậy, anh thường trấn an vợ rằng cuộc sống của mình vẫn còn tốt hơn họ. Vì thế, nếu có thể hãy giúp họ.
Song sự xuất hiện của ông cụ ăn xin tên Giang vào một ngày cách đây 9 năm đã giúp anh Lý nhận ra nhiều điều. Hôm đó, anh đang chuẩn bị dọn dẹp cửa hàng thì thấy cụ ông trong bộ quần áo rách bước vào. Anh vội chạy ra tiếp đón như những vị khách khác và hỏi cụ ông này dùng món gì.
Ông Giang gọi món như bình thường. Tuy nhiên cho đến khi thanh toán, ông lại đưa cho anh Lý những đồng tiền giả. Đó thực tế là những mảnh giấy hình chữ nhật trên đó vẽ các hoa văn như tờ tiền thật. Nhìn bằng mắt thường, ai cũng biết đây là những đồng tiền không thể tiêu được.
Ban đầu, chủ tiệm mỳ cũng có chút ngỡ ngàng. Tuy nhiên, anh hiểu ông cụ này cũng chẳng có tiền nên bỏ qua và coi như giúp đỡ người kém may mắn hơn mình.
Sau khi cụ ông rời đi, vợ anh Lý lao ra và nói: “Anh bị sao vậy? Anh có biết mình đang bị lừa không? Những đồng tiền đó đâu có giá trị gì?” Anh Lý chỉ biết cười và bỏ đi.
1 tuần sau đó, ông Giang tiếp tục quay lại quán mỳ, gọi 1 tô và đưa cho chủ quán những tờ giấy được vẽ hoa văn như tiền thật. Anh Lý vờ như không biết gì, vẫn phục vụ cụ ông này một cách nhiệt tình.
Không chỉ 1-2 lần, ròng rã suốt 1 năm sau đó, tuần nào, ông Giang cũng ghé tiệm mỳ để dùng món và sử dụng nhưng đồng tiền giả đó để giao dịch. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, anh Lý không thấy cụ ông này đến quán của mình.
Anh có tìm hiểu một số người thì họ nói rằng ông Giang từng gặp một chấn thương nên ảnh hưởng đến trí não. Dẫu khi đó đã 60-70 tuổi nhưng trình độ hiểu biết của ông cụ chỉ ở mức một học sinh lớp 1, 2. Chính vì lý do này, ông sống dựa vào mẹ của mình. Cho đến khi bà cụ qua đời, không còn ai nương tựa, ông Giang buộc phải xuống đường để xin ăn.
Khi biết được câu chuyện này, vợ chồng anh Lý đã rơi nước mắt. Chị vợ tự trách bản thân vì đã không thông cảm cho trường hợp của ông cụ. Sau đó, gia đình anh đã dùng đủ mọi cách để tìm lại ông Giang nhằm giúp đỡ nhưng biệt vô âm tín.
Thời gian trôi qua, anh Lý trở lại cuộc sống của mình, vẫn buôn bán kinh doanh như bình thường. Cho đến đầu năm 2023, anh bất ngờ nhận được giấy triệu tập của cảnh sát địa phương.
Anh đến địa điểm theo đúng như giấy hẹn. Tại đây, viên cảnh sát thông báo vợ chồng anh Lý nhận được tài sản thừa kế từ ông Giang lên đến 120.000 NDT (khoảng 413 triệu đồng). Kèm theo số tiền này là một tờ giấy với những dòng chữ nguệch ngoạc. Nội dung lá thư ngắn gọn nhưng đầy đủ ý. Ông Giang cảm ơn vợ chồng anh Lý đã giúp đỡ trong thời gian dài. Khoản tiền này là tài sản do mẹ ông để lại. Để bày tỏ lòng biết ơn, cụ ông muốn trao lại số tiền này cho vợ chồng chủ tiệm mỳ.
Sau khi đọc xong những dòng thư này, vợ chồng anh Lý đã òa khóc. Nhận được khoản tiền này, ngay lập tức, vợ chồng anh không bỏ túi mà quyết dùng nó để giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn. Theo Sohu, toàn bộ số tiền này đã được ủng hộ vào quỹ từ thiện địa phương nhằm trao cho những hộ gia đình có điều kiện khó khăn.
Đinh Anh