Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng trước thông báo chính phủ sẽ thống kê người dân theo thành phần đẳng cấp trong cuộc điều tra dân số toàn quốc sắp tới. Đây là lần đầu tiên chính phủ Ấn Độ đưa vấn đề đẳng cấp vào thống kê dân số kể từ năm 1931, khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

Chính phủ tuyên bố thống kê theo đẳng cấp sẽ "đảm bảo cấu trúc xã hội Ấn Độ không chịu áp lực chính trị, giúp xã hội ngày càng vững mạnh, đất nước liên tục phát triển".

Giới quan sát đánh giá đây là quyết định bất ngờ của Thủ tướng Modi, bởi Ấn Độ từ năm 1950 đã cấm phân chia xã hội thành các đẳng cấp. Quyết định châm ngòi tranh cãi rằng liệu việc thống kê theo đẳng cấp có giúp cải thiện đời sống của các nhóm yếu thế, hay chỉ khoét sâu thêm chia rẽ xã hội.

AFP-20240309-hazarika-notitle2-9532-2338-1747623982.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BvH98vONFpgqgoj22UR4LQ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại huyện Jorhat, bang Assam ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP

Hệ thống phân chia đẳng cấp truyền thống tại Ấn Độ đã tồn tại hàng nghìn năm và vẫn chi phối rõ rệt trong đời sống ở nước này, từ các nhóm xã hội, nhóm hẹn hò, đến cơ hội giáo dục, việc làm.

Hệ thống này có nguồn gốc từ kinh Vệ Đà, phân chia người dân theo thứ bậc, quy định nghề nghiệp, nơi sinh sống và đối tượng kết hôn của một người dựa theo đẳng cấp của gia đình mà người đó sinh ra.

Hệ thống này gồm 4 đẳng cấp chính và hàng nghìn nhánh phụ, trong đó Brahmin, gồm các tăng lữ và học giả Bà La Môn là đẳng cấp cao nhất, rồi đến Kshatriya (vua chúa, chiến binh), Vaishya (thương nhân, điền chủ), Shudra (lao động phổ thông, phục vụ ba đẳng cấp trên).

Thấp nhất là Dalit, thậm chí còn không được xếp vào 4 đẳng cấp chính trong kinh Vệ Đà. Những người thuộc tầng lớp này bị xem là "không thể đụng tới", xếp ngoài lề xã hội, chịu kỳ thị nặng nề, không được tham gia các nghi lễ và phải làm những công việc như nhặt rác, dọn chất thải.

Ấn Độ đã cố gắng xóa bỏ hệ thống đẳng cấp này bằng cách đưa ra một loạt thay đổi trong hiến pháp mới sau khi giành độc lập từ Anh năm 1947.

Chính phủ đã thiết lập các nhóm đẳng cấp mới như người nghèo, thanh niên, phụ nữ và nông dân, làm cơ sở cho các chính sách hỗ trợ. 50% việc làm trong khu vực công và chỉ tiêu tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục được dành riêng cho các đẳng cấp yếu thế.

Ấn Độ cũng bãi bỏ khái niệm "không thể đụng tới" và cấm các hình thức phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp. Quyết định không thống kê đẳng cấp trong điều tra dân số là một phần trong tinh thần cải tổ này.

"Sau khi giành độc lập, Ấn Độ cố tình không thống kê đẳng cấp, nghĩ rằng không nên nhấn mạnh đến điều này bởi nó sẽ tự động cân bằng trong một nền dân chủ", Poonam Muttreja, giám đốc Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) cho biết.

afp-20201005-makhija-notitle20-8316-2137-1747623982.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mjakv79M7cbauzhU6y_3Dw

Sinh viên ủng hộ quyền của người thuộc đẳng cấp Dalit trong cuộc biểu tình lên án cách chính quyền xử lý các vụ cưỡng bức ở Balrampur, năm 2020. Ảnh: AFP

Nhưng kịch bản này đã không xảy ra. Dù ranh giới đẳng cấp truyền thống đã mờ dần, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, khoảng cách giàu nghèo, học vấn và sức khỏe giữa các đẳng cấp vẫn ở mức lớn. Các đẳng cấp thiệt thòi nhất có tỷ lệ mù chữ và suy sinh dưỡng cao, nhận được ít phúc lợi xã hội hơn, theo bà Muttreja.

Tư tưởng phân biệt xã hội theo đẳng cấp vẫn phổ biến. Chỉ 5% các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ là khác đẳng cấp truyền thống, theo Khảo sát Phát triển Con người Ấn Độ. Những ranh giới tương tự vẫn tồn tại trong quan hệ bạn bè, công sở và các không gian xã hội khác.

Tình trạng phân biệt dai dẳng này làm tăng nhu cầu thực hiện một cuộc điều tra dân số theo đẳng cấp truyền thống. Nhiều người cho rằng dữ liệu mới có thể giúp chính phủ đảm bảo nguồn hỗ trợ lớn hơn cho những nhóm thực sự cần.

Tại Bihar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, giới chức đã tiến hành cuộc thống kê dân số theo đẳng cấp riêng, thúc đẩy Thủ tướng Modi và đảng Nhân dân (BJP) cầm quyền làm điều tương tự.

Ông Modi từ lâu cũng phản đối việc phân chia dân số theo đẳng cấp truyền thống. Trước đây, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố việc hỗ trợ các đẳng cấp lớn nhất là người nghèo, thanh niên, phụ nữ, nông dân sẽ thúc đẩy phát triển đất nước về tổng thể.

Tuy nhiên, nỗi bất mãn ngày càng tăng trong các đẳng cấp truyền thống yếu thế đã giúp phe đối lập giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2024. Trong kết quả gây sốc, ông Modi tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ ba, song đảng BJP không giành được đa số ghế quốc hội, khiến vị thế của đảng cầm quyền suy giảm.

Đảng Quốc đại đối lập hưởng ứng thông báo thống kê dân số theo đẳng cấp của ông Modi. Chính phủ tiền nhiệm do đảng Quốc đại dẫn dắt từng tiến hành khảo sát đẳng cấp toàn quốc năm 2011, nhưng kết quả chưa từng được công bố, có thể do phương pháp khảo sát gặp vấn đề.

Dù chính phủ chưa công bố thời điểm tiến hành cuộc điều tra dân số mới, New Delhi đủ thời gian để hoàn thiện phương pháp khảo sát và đảm bảo thu thập những thông tin then chốt, theo giới quan sát.

2024-10-28t114942z-1931281874-2779-2653-1747623982.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MmXhxoa7oQ-XXLkUlvzWaw

Các quan chức phản đối chậm trễ trong bổ nhiệm thị trưởng là người thuộc đẳng cấp Dalit tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 10/2024. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, những người phản đối cuộc điều tra dân số cho rằng Ấn Độ nên tránh xa những thứ bậc đẳng cấp này, thay vì công nhận và thể chế hóa chúng.

Nhiều người tin các chính sách hỗ trợ cần dựa trên các tiêu chí khác như thu nhập, học vấn, nghề nghiệp, địa vị, Sonalde Desai, chuyên gia nhân khẩu học, xã hội học và kinh tế ứng dụng ở New Delhi, chỉ ra.

Bà Desai ủng hộ điều tra dân số theo đẳng cấp truyền thống, nhưng cảnh báo nhóm phản đối có thể coi khảo sát này là bước thụt lùi.

Cũng có khả năng điều tra cho thấy các đẳng cấp yếu thế lớn hơn dự tính, buộc chính phủ tăng hỗ trợ, khiến những người thuộc các đẳng cấp cao hơn không hài lòng. Ấn Độ nhiều năm qua ghi nhận nhiều cuộc biểu tình phản đối tình trạng "phân biệt đối xử ngược", cho rằng chính phủ quá ưu tiên cho các đẳng cấp thấp.

Trong khi đó, bà Muttreja cho rằng cuộc điều tra dân số có thể xác định rõ ràng nhóm nào cần hỗ trợ và cách phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất, thay vì dựa vào những dữ liệu lỗi thời.

Theo bà, dữ liệu có thể hé lộ những khoảng trống, cho thấy mức độ gia tăng về quy mô của một số nhóm đẳng cấp, từ đó giúp xác định nguồn lực hỗ trợ hợp lý.

"Nó có thể định hướng phân bổ ngân sách trường học, y tế, các chương trình việc làm, giúp đảm bảo các chính sách phản ánh đúng thực tế. Chính phủ sẽ phải hành động khi có kết quả. Dữ liệu này sẽ khiến họ không thể ngoảnh mặt làm ngơ", bà nói.

Đức Trung (Theo CNN, Guardian, Times of India)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022