Nhạc sĩ là một trong những diễn giả của tọa đàm Giáo dục vượt trội - Nâng niu bản sắc, chiều 10/5 tại TP HCM.

Trong sự kiện, câu chuyện về việc giáo dục quốc tế hiện nay ở Việt Nam đang có nguy cơ làm mai một văn hóa, nhất là sự đứt gãy về Tiếng Việt, được nêu ra. Thanh Bùi cho rằng để thế hệ trẻ không chỉ biết mà còn phải hiểu về bản sắc dân tộc thì trường quốc tế phải dạy học sinh nói lưu loát tiếng Anh và sõi tiếng Việt. "Tôi rất lo ngại sự quốc tế hóa trong môi trường giáo dục hiện nay. Việc chú trọng tiếng Anh và hội nhập khiến một thế hệ trẻ nói trơn tru 'hello' nhưng lại không biết nói câu chào hỏi lễ phép. Tiếng Việt không thể trở thành ngoại ngữ với các em", anh nói.

thanh-bui-noi-ve-viec-giu-gin-tieng-me-de-1746951026.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h0PYiFVy-VCMODQOhJ4DiA
Thanh Bùi nói về việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ

Thanh Bùi nói về việc giữ gìn tiếng Việt trong thời buổi hội nhập. Video: Tâm Giao

Theo Thanh Bùi, giáo dục toàn diện và xa hơn là phát triển vượt trội chính là tiếp thu tinh hoa học thuật quốc tế kết tinh với truyền thống. Như vậy, người Việt trẻ đi ra thế giới mới cạnh tranh, khác biệt được.

Trước câu hỏi về việc dạy hai con trai song sinh Khải An, Kiến An, Thanh Bùi nói buộc các bé nói song song tiếng Việt và tiếng Anh. Theo nghệ sĩ, cái hay của tiếng Việt là giúp chạm sâu vào suy ngẫm và tâm hồn. Cụ thể, khi anh và hai con trao đổi với nhau một vấn đề xã hội bên ngoài, tiếng Anh sẽ giúp họ dễ dàng làm rõ được vấn đề. Ở những trường hợp khi có bất đồng hoặc xung đột về hành xử, đòi hỏi khơi dậy yêu thương và hàn gắn thì ba bố con lại nói tiếng Việt. Ở nhà, hai bé cũngtrò chuyện với bà nội bằng tiếng Việt, bà ngoại là tiếng Hoa. Việc sử dụng đa ngôn ngữ giúp con của anh linh hoạt và dễ diễn đạt phù hợp từng bối cảnh.

Sinh trưởng ở Australia trong 28 năm, nhạc sĩ nói anh luôn thấy lạc lõng. Chỉ khi về nước, nhạc sĩ mới hiểu mùi của quê hương, biết bản thân thuộc về đâu, tiếng mẹ đẻ mới là gốc. Anh kể một câu chuyện nhỏ đã khiến anh suy ngẫm và mở trường học. Trong một chuyến bay từ Hà Nội, nhạc sĩ chứng kiến hai mẹ con ngồi phía sau hoàn toàn đứt kết nối vì mẹ nói tiếng Việt, con lại chỉ biết tiếng Anh. Họ ôm nhau khóc trong sự bất lực. Anh vỡ ra trong thực tế hiện nay, việc khác ngôn ngữ thì dù sống chung nhà, cha mẹ và con cái không thể nào hiểu nhau. Nghệ sĩ Thanh Bùi 43 tuổi, tên thật là Bùi Vu Thanh. Gia đình anh sang Australia định cư năm 1982. Anh được đào tạo về thanh nhạc và đàn piano từ lúc 10 tuổi. Thanh Bùi bắt đầu được khán giả chú ý khi vào top 8 Thần tượng âm nhạc Australia 2008. Năm 2010, anh về nước lập nghiệp, cùng nhạc sĩ Dương Khắc Linh phát triển công ty nhạc. Ngoài ca hát, anh sáng tác nhạc và có nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích, hợp tác với nghệ sĩ quốc tế như: Tata Young, BTS, Black Eyed Peas, cũng như gắn với tên tuổi của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Thu Minh. Các bài hát được yêu thích của anh gồm: Tình về nơi đâu, Lặng thầm một tình yêu, Vút bay.

Năm 2013, Thanh Bùi làm huấn luyện viên của chương trình The Voice Kids. Nhạc sĩ kết hôn với doanh nhân Trương Huệ Vân, 37 tuổi, cùng năm.

thanh-bui-1-1746951134-7909-1746952044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2dmvlPa4O8S2LFO3uOaz5w

Nhạc sĩ Thanh Bùi (trái) và nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh tại diễn đàn. Ảnh: Pham Duc Nguyen

Ngoài Thanh Bùi, các diễn giả bàn về giải pháp làm sao để giữ được các giá trị Việt trong môi trường học tập toàn cầu.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng thách thức này có phần xuất phát từ chính đội ngũ giáo viên nước ngoài. Nhiều "giáo viên Tây" đến Việt Namgiảng dạy với tâm thế "mang thế giới vào lớp học", nhưng lại không quan tâm hoặc không thấy cần thiết phải hiểu về đất nước họ đang đứng lớp.

Bà nhớ lại hồi mới về lại TP HCM học ở trường Marie Curie xưa, bà từng được các thầy cô Pháp yêu cầu chọn một tên tiếng Pháp để tiện xưng hô - dù tên của bà là "Ninh", rất dễ phát âm. Khi học ở nước ngoài, không ai bắt bà phải đổi tên.

Theo bà, sự thiếu tôn trọng văn hóa bản địa bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ. Và đến hôm nay, vẫn còn nhiều giáo viên nước ngoài ở Việt Nam giữ tâm lý như thế. Những người lập ra trường quốc tế không nên "chiều" thầy cô nước ngoài. "Ngoài giúp chúng ta biết những chuyện từ Silicon Valley, Hollywood thì bắt buộc họ khi dạy học và làm việc phải bỏ thì giờ tìm hiểu và học về văn hóa và đặc trưng của dân tộc mình. Phải đặt ra được điều kiện thì tâm thế của chúng ta mới không bị lép vế", nhà ngoại giao nói.

Tọa đàm do hệ thống giáo dục toàn diện Embassy Education kết hợp trang podcard Vietsuccsess tổ chức. Sự kiện quy tụ sáu diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, hướng đến mục tiêu xác định thương hiệu người Việt, tự tin hội nhập toàn cầu.

Hoàng Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022