Sau 2 tuần ra mắt, "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" của đạo diễn Lý Hải vẫn duy trì sức hút tại phòng vé Việt. Phim kết hợp nhiều yếu tố như hành động, hài hước, tâm lý. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, tính đến thời điểm hiện tại, tác phẩm của Lý Hải đã đạt doanh thu hơn 195 tỷ đồng.
"Lật mặt 8: Vòng tay nắng" xoay quanh nhân vật Tâm (17 tuổi), đam mê âm nhạc nhưng bị ngăn cản bởi người cha khắt khe Phước (Long Đẹp Trai). Những xung đột thế hệ được Lý Hải khai thác chân thực, để rồi khép lại bằng một vòng tay nắng – biểu tượng cho tha thứ, hàn gắn và yêu thương.
Phim quy tụ dàn diễn viên từ gạo cội như NSƯT Kim Phương, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Chiều Xuân... đến dàn diễn viên trẻ như Đoàn Thế Vinh, Hồng Thu, Tín Nguyễn, Bảo Ngọc. Dàn diễn viên khách mời gồm Trung Dũng, Huy Khánh, Lê Tuấn Khang, Tạ Lâm...
Đạo diễn Lý Hải đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN) về ý tưởng bộ phim, cách xây dựng nhân vật cũng như những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm phim.

PV: Sau thành công của “Lật mặt 7: Một điều ước”, anh tiếp tục mang đến cho khán giả phần phim “Lật mặt” thứ 8 với những câu chuyện về gia đình. Nhưng lần này là về sự khác biệt thế hệ. Câu chuyện này đã được anh đã ấp ủ như thế nào?
Lý Hải: Ý tưởng này tôi đã ấp ủ từ khá lâu. Khi tôi còn đang đi hát, chưa làm phim, có một người bạn thân chở con qua nhà tìm tôi để xin chữ ký làm kỷ niệm. Khi lớn lên, có gia đình rồi, có con, tôi cảm nhận được rằng các bạn trẻ, dù nhỏ hay lớn, cũng có thế giới riêng, đam mê và thần tượng từ nhỏ. Tôi nhận ra con mình cũng có nhiều thần tượng. Sau đó, tôi bắt tay viết một câu chuyện có liên quan đến đam mê và thần tượng.
Nhưng câu chuyện thần tượng trong "Lật mặt 8" chỉ là một phần nói lên cái suy nghĩ của các bạn trẻ. Các bạn trẻ có rất nhiều đam mê về thể thao, thích làm cầu thủ bóng đá, có người mê bóng chuyền, có người mê bơi lội,…trong "Lật mặt 8", tôi nói về các bạn mê thần tượng.

PV: Ở phần âm nhạc và sân khấu hoành tráng lần này, anh đã phải thay đổi cách sản xuất và tư duy dàn dựng thế nào so với các phần trước?
Lý Hải: Mấy chục năm đứng trên sân khấu, tôi hiểu rõ việc tổ chức một concert lớn đòi hỏi những gì. Một concert không chỉ bắt đầu từ lúc nhạc vang lên, mà là cả một hành trình dài từ khi khán giả xếp hàng từ buổi chiều, từ khâu gửi xe, xếp hàng vào cổng, tìm chỗ ngồi trên khán đài và chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được gặp thần tượng. Cuối cùng là khoảnh khắc được hòa mình vào bầu không khí bùng nổ khi concert bắt đầu.
Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn, tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi dàn dựng một đại cảnh concert như trong phim. Điều khó nhất là làm sao dựng được một sân khấu đủ lớn, ít nhất phải rộng 50m, và tìm được đủ diễn viên quần chúng, lên đến hàng ngàn người, để tạo nên khung cảnh thật sự hoành tráng và sống động.
PV: Nhân vật ông Phước trong phim – một người cha đầy mâu thuẫn giữa yêu thương và cứng nhắc – có lấy cảm hứng từ một hình mẫu thực tế nào anh từng gặp ngoài đời?
Lý Hải: Để xây dựng một nhân vật như ông Phước, tôi quan sát rất nhiều từ cuộc sống xung quanh. Tôi lấy một chút tính cách từ người này, một chút từ người kia để tạo nên nhân vật. Nhân vật người cha trong phim tên Phước, trùng với tên của ba tôi ngoài đời và cũng có một phần được lấy cảm hứng từ chính ba tôi.
Bên cạnh đó, tôi đặt mình vào vị trí của một người cha, nhìn câu chuyện từ góc độ của phụ huynh dành cho con. Tôi mượn thêm những nét tính cách từ bạn bè, những người xung quanh từng làm cha, làm mẹ để đắp dần nên chân dung nhân vật này. Trong phim, người cha đại diện cho một lối suy nghĩ khác, không phải chỉ để đối lập, mà để đặt ra một câu hỏi lớn: Cách cha mẹ chúng ta từng nuôi dạy con cái liệu có còn phù hợp trong xã hội ngày nay?

Từ trước đến nay, người lớn thường quan niệm: “Ba mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Nhưng thậm chí ngay cả ba và mẹ cũng chưa chắc đã đồng thuận quan điểm, làm sao chắc chắn điều đó đúng với con cái? Tôi thấy rằng, các bạn trẻ bây giờ, thậm chí những em nhỏ chỉ 6-7 tuổi, đã có khả năng thể hiện quan điểm riêng, đưa ra những suy nghĩ khiến người lớn phải bất ngờ.
Từ những điều đó, tôi muốn qua bộ phim "Lật mặt" đặt ra câu hỏi: Phải chăng phụ huynh cần xem lại cách mình đang áp đặt lên con cái? Làm sao để chúng ta biết lắng nghe, chia sẻ, để con cái có thể tin tưởng và tâm sự với cha mẹ?
PV: Phân đoạn nào trong phim khiến anh xúc động hoặc nhớ mãi trong quá trình thực hiện?
Lý Hải: Với "Lật mặt 8", trước khi phim chính thức ra rạp, tôi và bà xã Minh Hà đã tổ chức một buổi chiếu thử cho vài chục người, gồm thành viên trong ekip,nhóm bạn của các con, từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến cả các bạn lớn tuổi hơn, để xem phản ứng và lắng nghe ý kiến.
Kết quả là gần như 10 người thì cả 10 đều rơi nước mắt sau khi bước ra khỏi phòng chiếu. Có bạn còn chia sẻ đã khóc 7 lần khi xem phim. Dù trong phim có rất nhiều phân đoạn hài hước, đúng với phong cách quen thuộc của tôi, luôn có yếu tố dí dỏm nhưng có lẽ vì cái kết quá ấn tượng và cảm xúc nên khán giả đã quên mất những phân cảnh vui vẻ đó.
PV: Xin cảm ơn anh!