Chị Lê Thị Kiều Oanh (sống tại TP. HCM), mẹ của bé Nguyễn Hoàng Bách (4 tuổi) may mắn biết đến một blogger theo hướng tiếp cận tư duy về "Lối sống tối giản" ngay lúc mang bầu, vì vậy bà mẹ trẻ đã thấm nhuần tư tưởng này trước khi chất đầy nhà quần áo và bỉm sữa cho bé, và cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí nữa.

Dưới đây, chị Oanh share 1 số tips cho mọi người tham khảo, hy vọng sẽ giúp ích cho bố mẹ đang muốn tiếp cận lối sống tối giản nhé.

1. 9 tháng mang thai

Ngay khi Oanh gõ những từ khóa liên quan đến kiến thức mang thai trên trang công cụ tìm kiếm của Google, có rất nhiều quảng cáo về các loại sản phẩm với nhiều công dụng khác nhau được đề xuất, càng đọc càng thấy loại nào cũng muốn mua!

Thực tế là mẹ bầu không cần mua sắm quá nhiều những vật dụng hỗ trợ, các loại thực phẩm chức năng hay quần áo bầu. Hãy tỉnh táo cân nhắc và mua sắm theo từng giai đoạn khi thấy thực sự cần thiết.

Giai đoạn này Oanh chú trọng nhất vào chăm sóc sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé.

Các loại thuốc bổ và vitamin: khoảng 1-1,5 triệu/tháng.

Chi phí khám thai ở TP HCM: 300-500k/lần khám.

Về dinh dưỡng, Oanh duy trì chế độ ăn uống như bình thường, không kiêng khem quá khắt khe và cũng không bồi bổ quá nhiều. Ăn uống đa dạng các loại thịt, cá, nhiều rau xanh, trái cây. Ngoài ra Oanh bổ sung thêm sữa tươi không đường và các loại hạt (óc chó, macca, hạnh nhân).

Về thời trang bà bầu, trong giai đoạn 3 tháng đầu bụng chưa to nên Oanh tận dụng lại tủ đồ có sẵn với những món đồ thoải mái, tránh bó sát cơ thể. Giai đoạn bụng bầu rõ hơn, đồ bầu của Oanh chủ yếu là xin lại đồ cũ từ các chị em trong gia đình và bạn bè.

Oanh cũng hạn chế sắm đồ mới, nếu có mua mới thì chọn những món đồ theo phong cách "free style" thay vì "thời trang bà bầu" để sau khi đẻ xong chưa kịp lấy lại dáng thì có thể tiếp tục sử dụng.

2. Quần áo cho em bé

Vẫn là câu chuyện cũ "Tăng xin, giảm mua" nên quần áo của em bé từ khi sinh ra đến hiện tại đều là hàng đã qua sử dụng. Oanh chỉ sắm một ít đồ mới cho em bé mặc đi chơi hoặc chụp hình. Ở tuổi này bé lớn rất nhanh và cần đổi size liên tục nên cũng không nên sắm sửa nhiều mà bé lớn tới đâu mình sẽ xin hoặc mua đồ đến đó.

3. Bỉm

1 tháng Oanh chỉ tốn 1 bịch bỉm cho bé. Bé chỉ mặc bỉm lúc đi ngủ, ban ngày mặc tã vải. Bé được 3 tháng thì Oanh tập "xi tè". Mình không "xi" lắt nhắt mà canh giờ theo thói quen của bé.

Oanh thấy các mẹ khuyên không nên "xi tè" nhưng khi áp dụng với bé nhà mình, bé vẫn phát triển hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Từ khi 3 tuổi bé tự chủ việc đi vệ sinh và không còn mặc bỉm nữa.

photo-1675155586988-16751555871192055923524.jpg

Chị Oanh và con trai.

4. Dụng cụ uống sữa, ăn dặm

Oanh duy trì cho bé vừa ti mẹ trực tiếp và vừa hút sữa để bé ti bình từ khi lọt lòng, đến khi mẹ đi làm lại sẽ không bị stress về việc bé không chịu ti bình.

Oanh tranh thủ nghỉ ngơi mỗi khi có thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống sữa ấm mỗi ngày nên đủ sữa cho bé bú mà không cần bổ sung sữa ngoài.

Được chị gái cho chiếc máy hút sữa cũ nhưng vẫn dùng tốt, Oanh sắm thêm chiếc bình mới cho bé, nước rửa bình và cọ rửa. Sau khi dùng xong, chỉ cần rửa bình với nước rửa chuyên dụng, nhúng qua nước sôi để tiệt trùng và phơi khô, sau đó cất vào hộp nhựa kín để dùng lần sau.

Oanh không dùng máy tiệt trùng cũng như máy hâm sữa.

Khi bé vào giai đoạn ăn dặm, Oanh chuẩn bị một lố muỗng silicon, một chiếc ghế ăn dặm, một chiếc nồi nhỏ và một chiếc chén nhỏ dùng riêng cho bé. Oanh chọn phương pháp ăn dặm truyền thống cho bé, tức là bắt đầu từ ăn bột, cháo loãng và đặc dần, sau đó chuyển sang cơm nhão và dần ăn chung cùng cả nhà. Vì thế, việc nấu nướng không quá cầu kỳ, phức tạp, cả nhà ăn món gì thì bé cũng ăn như thế, chỉ khác ở cách chế biến là xay nhuyễn và không gia vị (giai đoạn dưới một tuổi).

Với Oanh, điều quan trọng nhất trong giai đoạn tập cho bé ăn dặm không phải là theo phương pháp nào mà là tập cho bé thói quen nhai đồ ăn, tự xúc ăn và không ăn rong.

5. Chăm sóc sức khỏe cho bé

Oanh luôn cố gắng tăng cường đề kháng tự nhiên cho bé bằng cách bổ sung vitamin C (nước cam, chanh), tập cho bé sinh hoạt theo giờ giấc cố định và cho bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài thường xuyên như công viên, trung tâm mua sắm...

Ngoài ra, bé nhà Oanh có thẻ bảo hiểm. Mỗi lần bé ốm Oanh đưa bé đi khám theo phòng khám có liên kết với công ty bảo hiểm nên chi phí trung bình cho một lần đi thăm khám và thuốc men chỉ tầm 100-200k.

Bé được tiêm các loại vaccine cơ bản theo chương trình Tiêm chủng miễn phí tại Trạm y tế phường. Các loại vaccine dịch vụ còn lại bé được tiêm ngoài, chi phí chỉ tầm 4-5 triệu cho đến khi bé hoàn thành đủ các mũi cần thiết.

6. Lợi ích của việc tối giản khi có em bé

Hành trình mang thai và chăm con nhỏ của Oanh thực sự rất thoải mái, thú vị và đầy sự tận hưởng, có lẽ phần lớn nhờ vào việc áp dụng Lối sống tối giản từ những ngày đầu tiên. Điểm lại thì Oanh rút ra được những lợi ích sau:

- Nhà cửa gọn gàng vì ít quần áo và dụng cụ mua sắm mới, có nhiều không gian cho mẹ và bé hoạt động.

- Chi tiêu có kế hoạch, giảm bớt áp lực tài chính, tập trung vào những vấn đề quan trọng như sức khỏe về thể chất và tinh thần.

- Hạn chế tối đa rác thải xả ra môi trường.

"Mỗi bà mẹ có điều kiện và quan điểm nuôi dạy con khác nhau. Oanh chỉ chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của mình, hi vọng mọi người sẽ thấy hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh cá nhân để có một hành trình làm mẹ khỏe mạnh, an vui", bà mẹ trẻ tâm sự.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022