“Hi phi trước đây cũng cài hoa cho bổn cung, thật sự rất đẹp”.
“Hầu hạ nương nương là điều đương nhiên, thần thiếp không dám quên quy củ này”.
Đây chính là một phân đoạn trong phim “Chân Hoàn truyện” của Trung Quốc. Hình ảnh phi tần cài hoa lên tóc, xem nó như một kiểu làm đẹp hẳn không mấy xa lạ với những ai đam mê phim cổ trang.
Dùng hoa làm “trâm” cài lên đầu đã có từ rất lâu trong lịch sử Trung Quốc. Theo ghi chép thời Đường-Tống, khi tướng quân xuất chinh hoặc người được đề danh trên bảng vàng đều cài hoa tươi. Câu thơ “Ngày xuân đi chơi, hoa hạnh thổi khắp mái đầu”. Hoa rơi vô ý, lòng người lại đong đầy ý niệm. Người Trung Quốc xưa cho rằng hoa hạnh vô tình rơi trên đầu là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ.
Sau đó, cài hoa lên tóc dần xuất hiện trong cuộc sống thường ngày, trở thành một loại trang sức đến từ thiên nhiên, mang lại cảm giác tươi mới còn xinh đẹp hơn cả trang sức kim loại hay đá quý.
Bức tranh “Trâm hoa sĩ nữ đồ” thời Đường của họa gia Chu Phưởng
Phi tần nhà Thanh tặng nhau chậu hoa đẹp, bình hoa quý, vì họ xem hoa là một loại thẩm mỹ, là cái đẹp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng cài hoa lên tóc là một hiện tượng rất phổ biến ở Trung Quốc cổ đại. Thú vị hơn, không chỉ riêng phụ nữ, đàn ông cũng có phong tục cài hoa lên đầu. Song, thời đại khác nhau, phong tục xã hội cũng khác nhau. "Nam giới cài hoa" là một phong cách thẩm mỹ rất khác biệt trong xã hội phong kiến Trung Quốc.
1. Cài cành thù du
Trên thực tế, ở tiền Tần, hiện tượng "nam giới cài hoa" đã có nhưng chưa phổ biến, mãi cho đến thời nhà Hán.
Tác phẩm "Tây Kinh tạp ký" của nhà thơ nhà Tấn - Cát Hồng từng ghi lại: "Ngày 9 tháng 9 cắm cành thù du, uống rượu hoa cúc, giúp con người trường thọ". Có nghĩa là: vào thời điểm đó, người ta tin rằng cài cành thù du có thể trừ tà. Tuy nhiên, thay vì cài thù du trên đầu, họ đeo nó bên hông hoặc buộc vào cánh tay.
Đến đời nhà Tấn, người ta mới bắt đầu cắm thù du lên đầu. Theo "Phong thổ ký" của danh nhân thời Tấn - Chu Sở ghi lại: "Bẻ cành thù du cắm lên đầu, trừ ác khí và chống hàn đầu đông".
Trong thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều, nam giới cài hoa trên đầu dần trở thành một kiểu thẩm mỹ.
Phan An thời Tấn và anh em Lục Cơ, Lục Vận là mỹ nam nổi danh trong lịch sử, quan vị cũng tương đối cao. Họ cắm hoa tươi diễm lệ lên triều quan (mũ đội đầu khi vào triều), càng thể hiện khí chất vương giả.
2. Từ Hoàng đế ban hoa cho đến dân thường cài hoa lên tóc
Trên thực tế, triều đại nhà Đường, Hoàng đế ban cho cận thần hoa để cài lên mỹ hoặc tóc. Theo "Cảnh Long văn quán kỷ" của Võ Bình Nhất thời Đường ghi lại: “Ngày 8 tháng Giêng lập xuân ban hoa rực rỡ cho cận thần…”.
Đường Trung Tông Lý Hiển ngày lập xuân triệu cận thần học sĩ yến ẩm, quan viên học sĩ tham gia có Thượng Quan Uyển Nhi, Lý Kiêu Tống Chi Vấn, Lưu Hiến, Triệu Ngạn Chiêu, Thẩm Cư Kỳ. Võ Bình Nhất nhỏ tuổi nhất, nhưng bài thơ đối ẩm lại xuất chúng nhất, vì thế Đường Trung Tông liền ban hoa cài trên đầu xem như phần thưởng.
Ngoài việc Hoàng đế ban hoa, sự phổ biến của "nam giới cài hoa" trong triều đại nhà Đường còn liên quan đến hệ thống khoa cử. Sau khi thông báo bảng vàng, triều đình sẽ ban yến tiệc, lệnh hai người trẻ tuổi nhất trong tân khoa tiến sĩ, cưỡi ngựa hái hoa tươi mới nở trong kinh thành, sau đó phân phát cho các tiến sĩ khác, hai người này được xưng là "Thám Hoa sứ".
Sau này "Thám Hoa" trở thành từ chuyên dụng đứng thứ ba sau Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, nguồn gốc của nó có liên quan đến điển cố này.
Về sau, phong cách cài hoa của các văn nhân lưu truyền đến dân gian, rất nhiều dân chúng bình thường cũng làm theo. Theo đó, nam giới cài hoa trên đầu trở thành chuyện thường và hiện tượng này được đề cập rất nhiều trong thơ ca nhà Đường.
Bài thơ "Hạnh viên" của Đỗ Mục có viết: “Đêm đến mưa phùn tẩy phương trần… Đừng trách Hạnh viên xơ xác, cả thành bao nhiêu người cài hoa” (tạm dịch).
"Cả thành bao nhiêu người cài hoa", từ câu thơ chúng ta có thể biết được mức độ hưng thịnh của "nam giới cài hoa" thời Nhà Đường, đến nỗi hoa tươi trong vườn bị hái hết, cây hạnh nhìn trơ trụi không còn sinh khí. Vào thời điểm đó, hoa dùng để cài trên đầu ngoài thù du, hoa hạnh, còn có cẩm chướng, hoa dành dành, chủ yếu là hoa màu đỏ và hoa màu trắng.
3. “Nam giới cài hoa” trở thành một loại nghi thức chốn quan trường
Nhà Đường sụp đổ, khu vực Trung Nguyên chiến loạn liên tiếp, dân chúng khốn khổ, ngoại trừ một số ít quan to, dân gian rất ít ai cài hoa. Tuy nhiên, ở những nơi như Ngô Việt, Nam Đường và Thục Quốc, phong tục cài hoa lên đầu vẫn còn phổ biến vì cuộc sống của người dân tương đối ổn định.
Phong tục cài hoa đến đời Tống càng hưng thịnh hơn, thậm chí còn trở thành một loại lễ nghi quan trường.
Hệ thống văn quan nhà Tống phát triển, văn nhân nhã sĩ xuất hiện rất nhiều. Vì vậy, phong tục cài hoa càng trở nên phổ biến. Trong triều đại nhà Tống, cài hoa được triều đình chủ trương trở thành một nghi thức. Trong những dịp trọng đại, triều đình mở tiệc, không chỉ Hoàng đế cài hoa trên đầu, các vị đại thần cũng phải cài những loại hoa khác tùy nhau theo phẩm cấp.
Vậy Hoàng đế nhà Tống đeo hoa gì trên đầu? Theo "Thiết Vây Sơn Tùng Đàm" ghi lại: Có một mùa xuân, Tống Thần Tông du ngoạn gần hồ Kim Minh, nhìn thấy hoa mẫu đơn được tiến cống từ Lạc Dương, nên đã vô cùng yêu thích, vì thế lấy hoa trên đầu mình lấy xuống, cài hoa mẫu đơn lớn một thước hai tấc lên.
Trong triều đại Tống, hoàng đế yêu thích cài hoa nhất là Tống Huy Tông. Tống Huy Tông trị quốc không mấy tài giỏi, nhưng đa tài đa nghệ, yêu thích sự nhã nhặn, bất kể trong cung hay ra ngoài du ngoạn, ông đều phải cắm hoa trên đầu. Thị vệ, cấm quân bên cạnh cũng đều cắm hoa lớn hoa nhỏ, màu sắc khác nhau trên mũ.
Những bông hoa thơm mềm mại được cài trên đầu của một thiếu nữ xinh đẹp, tự nhiên không ai cảm thấy kỳ lạ. Nhưng những bông hoa cắm trên đầu của nam giới lại ít nhiều trở thành trò cười trong ngày nay. Tuy nhiên, ở Trung Quốc cổ đại, nam giới cài hoa lên đầu là một kiểu thẩm mỹ, đầy tính thời trang.
Nguồn: QQ, 163