"Khoa chúng tôi từ khi thành lập đến nay đã hoạt động được 4 năm, trong 4 năm đó đã có 4 bác sĩ nghỉ việc".
"Vấn đề tuyển dụng một số bác sĩ trẻ thật sự rất khó khăn".
"Khoa người khác tuyển 2 vị trí có 6 người đến ứng tuyển; khoa chúng tôi tìm 8 vị trí nhưng chỉ có 1 người đến đăng ký".
Trong tập 8 chương trình "Nhân Gian Thế", ông Chu Hiểu Đông, trưởng khoa nhi chăm sóc tích cực, đã chia sẻ một sự thật kinh hoàng: Đáng sợ hơn những khó khăn khi khám bệnh cho trẻ em là vấn đề bác sĩ khoa nhi đang dần biến mất...
Ngay lúc ông nói những lời này, đã có thêm một bác sĩ nữa rời đi.
Người này có năng lực xuất sắc, được các bác sĩ khác và bệnh nhân khen ngợi. Đáng tiếc, anh không có học vị tiến sĩ, cũng không có thời gian để chuẩn bị luận văn, sự nghiệp cứ dậm chân tại chỗ, cuối cùng đã lựa chọn rời đi. Chính xác hơn là bị buộc phải rời đi.
Sự ra đi của vị bác sĩ này không phải là trường hợp duy nhất mà còn là một hiện tượng phổ biến ở khoa nhi.
Ảnh minh họa.
Năm 2017, Trung Quốc thiếu hụt hơn 200.000 bác sĩ khoa nhi, tổng cộng chỉ có 100.000 người nhưng ước tính có đến 260 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 14. Trung bình 1 bác sĩ sẽ chăm sóc cho 2600 đứa trẻ và cứ mỗi 8 tiếng, 1 bác sĩ sẽ khám cho 60 - 80 bệnh nhân nhi, thậm chí số lượng còn nhiều hơn như thế.
Có người phàn nàn, bác sĩ chỉ cần 3 - 5 phút để thăm khám cho một đứa trẻ. Nhưng với tốc độ này thì vẫn còn một số lượng lớn trẻ em phải xếp hàng chờ vào khám trong 4 giờ.
Cho đến hiện tại, sự thiếu hụt nhân sự khoa nhi không những không được thu hẹp mà càng nghiêm trọng hơn. Từ năm 2014 đến 2016, chỉ trong vòng 3 năm, 14.310 bác sĩ đã nghỉ việc.
Các sinh viên ngành y đều truyền nhau câu nói thế này: "Nhất khoa mắt, nhì khoa ngoại, đánh chết cũng không vào khoa nhi". Các sinh viên Y khoa thà theo khoa nội hoặc phụ khoa, cũng không muốn học khoa nhi. Hậu quả là, trong 15 năm, số bác sĩ khoa nhi ở Trung Quốc chỉ tăng thêm 5.000 người.
Tại Trung Quốc, mỗi năm có 800.000 sinh viên Y khoa tốt nghiệp, trong số đó có 22.000 người trở thành bác sĩ và chỉ có hơn 300 người chọn theo khoa nhi. Số lượng bác sĩ mới giảm mạnh khiến việc tuyển dụng không được đáp ứng. Thêm nữa, các bác sĩ khoa nhi cũng dần dần rời khỏi ngành.
Bí ẩn về sự ra đi của các bác sĩ khoa nhi
Có 3 sự thật cần phải biết:
1. Bác sĩ cứu chữa bệnh nhân nhưng có thể mất mạng bất cứ lúc nào
Năm 2016, tại bệnh viện Lai Cương (tỉnh Sơn Đông), bác sĩ khoa nhi Lý Bảo Hoa đã bị thương nặng do người nhà bệnh nhi gây ra. Nạn nhân tử vong do 27 nhát dao trên toàn thân và hơn 12 nhát dao ở phần đầu. Đau thương hơn là, trước khi mất bác sĩ Lý vừa kết thúc ca trực đêm dài 16 tiếng, đêm hôm đó ông đã không ngủ.
Bác sĩ Vương Tuấn ở thành phố Thiệu Đông, tỉnh Hồ Nam đã bị gia đình bệnh nhân đánh đến chết chỉ vì không dừng một ca phẫu thuật khác để tiến hành cắt bỏ mô hoại tử cho một đứa bé vừa đến bệnh viện.
Không chỉ bản thân bị đe dọa, đôi khi ngay cả những người thân ruột thịt của họ cũng khó mà an toàn. Tại thành phố Ích Dương (tỉnh Hồ Nam), con trai 10 tuổi của một nhân viên y tế đã bị người nhà bệnh nhân theo dõi trên đường đến trường và sau đó bị đâm 13 nhát.
Tất cả những điều này xảy ra chính là vì họ làm nghề bác sĩ, đánh đập và tiếng mắng chửi đã trở nên quen thuộc. Khi đứa bé bật khóc vì đau đớn, bố mẹ chúng ngay lập tức tấn công bác sĩ; lấy ven 1 lần không được liền tát vào mặt y tá,...
Ngoài những thương tích do bạo lực, đột tử và trầm cảm cũng là những mối nguy vây quanh các bác sĩ.
Quách Khánh Nguyên, 43 tuổi, là một bác sĩ khoa ngoại nổi tiếng nhưng cuộc đời của anh vĩnh viễn dừng lại ở ngày 23/1/2018. Đêm hôm đó, anh đã tiếp nhận 40 bệnh nhân.
Bác sĩ Triệu Biến Hương, 43 tuổi, đã ngã xuống tại phòng bệnh 505. Vài phút trước đó, cô còn cười nói vui vẻ với bệnh nhân: "Mẹ cháu thấy sao rồi?".
Bác sĩ Triệu Biến Hương (trái) và bác sĩ Quách Khánh Nguyên (phải).
Bởi vì thiếu nhân lực, nếu không tăng ca thì họ không thể xử lý hết số lượng bệnh nhân khổng lồ. Những gì họ có thể làm là dùng sức khỏe của bản thân đổi lấy sức khỏe của người bệnh.
2. Mức lương tỷ lệ nghịch với công sức của các bác sĩ khoa nhi
Theo khảo sát, có 76% bác sĩ khoa nhi có mức lương dưới 5.000 NDT (hơn 16,5 triệu VND) và một nửa số đó nhận được thu nhập chưa đến 3.000 NDT (gần 10 triệu VND). Làm việc dưới áp lực khó mà tưởng tượng được, mỗi ngày đều quá tải công việc nhưng mức lương lại không đủ nuôi sống bản thân.
Bác sĩ Chu Nguyệt Nữu 40 tuổi, đã hoàn thành bậc học tiến sĩ vào năm 2005, đến cuối tháng 12/2018 mới được thăng chức Phó khoa. Lúc này, rất nhiều đồng nghiệp trạc tuổi cô đã sớm trở thành Trưởng khoa, thậm chí là Hướng dẫn nghiên cứu sinh. Không phải vì năng lực không đủ mà bởi vì công việc quá bận, ngày nào cũng phải ở phòng khám, không có thời gian nghiên cứu khoa học và viết luận văn, vì thế cô không thể lấy được một chức danh cao hơn.
Nếu không có chức danh cao hơn, sẽ không có được mức lương tốt hơn.
3. Phần lớn các bác sĩ khoa nhi mỗi ngày đều phải làm việc 16 tiếng đồng hồ
Là bác sĩ duy nhất có khả năng quản lý ICU, Chu Nguyệt Nữu mỗi ngày đều phải chăm sóc mười mấy bệnh nhân. Những bệnh nhân này đều là những đứa trẻ, bệnh tình lại rất nghiêm trọng: Khối u trong bụng, khối u trong tủy xương, khối u trong não,...
Vì những đứa bé này mà cô bận đến nỗi không có thời gian uống nước, ăn cơm, vệ sinh, thậm chí cũng không thể chăm sóc con gái của mình.
Con gái bị thương ở chân, không thể đi học được, điều cô có thể làm là đưa con đến phòng trực cùng mình. Trong lúc con thi cuối kỳ, cô phải tiếp nhận bệnh nhân 10 tuổi bị viêm cơ tim cấp nên ở lại bệnh viện liên tục suốt 116 giờ sau đó.
Giữa một bệnh nhân đang đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết với tuổi thơ không thể quay lại của con gái, phải lựa chọn thế nào đây? Cô không hề có lựa chọn nào! Thậm chí cô không có thời gian để về nhà. Tất cả những gì cô có thể làm là gọi điện cho người dì ở nhà, nhờ vả chăm sóc và nấu nhiều món ngon cho con gái.
Đây không phải là vấn đề riêng của bác sĩ Chu mà còn là tình trạng chung của tất cả bác sĩ khoa nhi.
Mỗi ngày làm việc 16 tiếng, họ hy sinh sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi, thậm chí họ còn không thể tham gia vào quá trình phát triển và trưởng thành của con cái. Nhưng đổi lại, họ chỉ có một khoản lương thấp, gia đình không thông cảm, bệnh nhân làm loạn và đánh mắng, thậm chí là giết chết.
Nhưng dưới lớp áo blouse trắng, họ cũng chỉ là những con người bình thường, cũng có gia đình như nhiều người khác.
Không quá khó hiểu khi có đến 34% bác sĩ khoa nhi có kế hoạch nghỉ việc trong vòng 2 năm. Tại các cơ sở y tế huyện xã, tỷ lệ này đã lên đến con số 41%.
Sau khi những bác sĩ này ra đi, điều gì đang chờ đợi chúng ta?
Hàng chục triệu gia đình không có lối thoát. Ngay từ năm 2016, vì thiếu hụt nhân sự khoa nhi, nhiều bệnh viện đã buộc phải hủy bỏ cấp cứu bệnh nhi vào ban đêm.
Tại khoa nhi của các bệnh viện ở Thượng Hải, bệnh nhân xếp hàng chờ khám mất trung bình khoảng 4 giờ.
Ở một bệnh viện tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), các bác sĩ khoa nhi tiếp nhận 300 bệnh nhân mỗi ngày, gấp 3 lần khối lượng công việc của các bác sĩ khoa khác.
Một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân đã dừng hoạt động khoa nhi vì tất cả các bác sĩ khoa nhi đều đã ngã bệnh.
Đổi lại những vất vả của các bác sĩ khoa nhi là những lời tiêu cực như sau:
"Tôi nhất thời nóng nảy nên đã tát cô ta (bác sĩ) 1 cái nhưng thu nhập cô ta cao như vậy, chắc cũng không đến mức bỏ nghề đâu".
"Thì nói vậy đó, lương y như mẹ hiền, họ cũng sẽ không nghỉ việc".
"Anh không ăn cơm thì liên quan gì đến tôi chứ".
Những lời châm biếm và mỉa mai thế này đã trở thành cọng rơm cuối cùng đè bẹp những bác sĩ kia. Rồi họ sẽ sớm nhận ra, đằng sau sự ra đi của các bác sĩ khoa nhi chính là vấn đề bế tắc của 90 triệu gia đình Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Trước đó, trang Quảng Châu Nhật Báo đưa tin, trong số 21 bác sĩ khoa nhi đang làm việc ở Bệnh viện liên kết đầu tiên của Đại học Trung Sơn đã có 4 bác sĩ được các bệnh viện tư săn đón với mức lương 30.000 NDT (hơn 99 triệu VND) mỗi tháng nhưng không phải làm ca đêm.
Một bên là lương cao, giờ giấc tự do, được người khác tôn trọng. Một bên là thu nhập thấp, áp lực tăng ca, thường xuyên bị đánh và la mắng. Không khó để nghĩ đến vấn đề, trong tương lai các bác sĩ khoa nhi sẽ chuyển từ bệnh viện công sang làm việc tại bệnh viện tư.
Đến lúc đó, chỉ có 1 tình huống xảy ra: Bố mẹ bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn để con cái được điều trị tốt hơn ở các bệnh viện tư. Những người còn lại chỉ có thể ôm con đang bệnh ngồi trước cửa phòng cấp cứu và đếm ngón tay tính thời gian đến lúc bệnh viện mở cửa và bác sĩ làm việc.
Trong chương trình "Nhân gian thế" có một đoạn thế này, bác sĩ Chu Nguyệt Nữu đã cứu chữa thành công cho một đứa trẻ bệnh nặng, đến bữa cơm cũng không kịp ăn. Nhưng bởi vì không kiên nhẫn nói chuyện với người nhà một bệnh nhi khác mà cô đã bị họ khiếu nại với bệnh viện và đường dây nóng công dân.
Sau khi dành hơn nửa ngày để giải thích, viết giấy cam kết và thương lượng, gia đình bệnh nhân chấp nhận hòa giải, đồng thời cũng đưa ra một câu hỏi: "Điều gì khiến cô tiếp tục kiên trì làm việc ở đây?".
Bác sĩ Chu Nguyệt Nữu trả lời: "Đời người không chỉ "nhìn về biển lớn, hoa xuân ấm áp nở" (tâm trạng vui vẻ) mà nó còn che giấu nỗi buồn, ngượng ngùng, đau đớn, sự tạm bợ nhưng tôi tin, nghề bác sĩ cảm nhận về sự sống dễ dàng hơn những người khác".
Thầy thuốc là những người nâng đèn trong đêm tối, họ luôn hết lòng bảo vệ chúng ta trước bóng tối. Nhưng vì sao lại có người cố gắng phá vỡ ngọn đèn đó. Người giữ đèn vẫn kiên trì, chẳng lẽ chúng ta không thể có thiện ý và tôn trọng họ hơn sao?
Nguồn: Sina