Anh Đinh Hoàng Hà (50 tuổi, TP. HCM) hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore. 2 con của anh đều đi du học tại đất nước này.
Hiện tại, con gái lớn của anh đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Marketing, trường Đại học Khoa học và Xã hội Singapore (Singapore University of Social Sciences). Anh Hà chia sẻ, con gái anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại được Temasek Foundation Singapore (học bổng Temasek) trao học bổng toàn phần cho 4 năm đại học. Đây là học bổng danh giá dành cho sinh viên bản xứ và quốc tế có thành tích học tập xuất sắc.
Còn con trai anh Hà vừa học xong ngành Quản lý Vận hành Hệ thống Hàng không Vũ trụ (Aerospace Systems and Management) tại Nanyang Polytechnic (trường Cao đẳng Bách khoa kỹ thuật). Con trai của anh không chỉ có thành tích học tập tốt mà còn đạt nhiều giải thưởng thể thao, được cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia Singapore (kỳ thi O-Level) năm 2019.
Các con của anh không chỉ có thành tích học tập tốt mà còn rất chăm ngoan, hiểu chuyện, sống tình cảm. Có được thành quả như vậy là nhờ vào sự nỗ lực giáo dục của người bố trong suốt một chặng đường dài.
Anh Đinh Hoàng Hà.
5 lời dạy gia truyền sâu sắc, giá trị đến nay còn nguyên vẹn
- Từ khi con còn nhỏ, anh đã có cách nuôi dạy con ra sao?
Tôi chỉ dạy con những lời mà ông bà và cha mẹ đã dạy tôi trước đây. Đó là những câu nói sau:
- Ra đường ai nhất mình nhì, ai hơn tí nữa mình thì thứ ba.
- Ra đời biết mười mươi vẫn cứ hỏi.
- Hãy cho con đi du học với tâm thế nhà nghèo.
- Hãy phân biệt rõ điều "cần - nên - phải" trước khi làm một việc gì đó.
- Muốn chim biết bay thì hãy đạp nó ra khỏi tổ.
Với tôi đây đều là "kim chỉ nam" trong cuộc sống. Sau này tôi học thêm được câu "Dùng nghèo để nuôi con trai, dùng giàu để nuôi con gái", được hiểu là nghèo khó để bồi dưỡng ý chí cho con trai, còn sự giàu có sẽ giúp con gái lớn lên không bị choáng ngợp bởi hư vinh. Vì thế, tôi không để con gái thiếu thốn, ngay cả tiền xài tôi cũng cho con gái nhiều hơn (cười).
Những lời dạy trên đều được vợ chồng tôi nói với các con vào bữa cơm gia đình và những dịp phù hợp trên tinh thần "mưa dầm thấm lâu". Bên cạnh đó, cách "truyền thông" cũng cần pha hóm hỉnh và phải lựa thời để các con không cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.
- Trên hành trình nuôi dạy con, anh có những lời căn dặn nào đúc rút từ kinh nghiệm sống của mình không?
Tất nhiên là có, đời dạy mình thì mình phải dạy lại con, để khi con thấy "ổ gà" còn biết tránh. Đầu tiên, tôi dặn con: "Suy nghĩ - Phát ngôn - Hành động" là 3 quá trình riêng biệt nhưng thường diễn ra đồng thời. Vì thế, con cần chậm lại một nhịp trước khi "phát ngôn và hành động". Điều này được áp dụng ngay cả khi viết bình luận trên facebook và các nền tảng mạng xã hội. Như vậy, con sẽ trưởng thành hơn trong mắt mọi người.
Điều thứ hai, tôi dặn con đối với việc khó, chúng ta cần đưa về cơ bản để giải quyết. Cái cơ bản mà gia đình tôi áp dụng rất đơn giản. Đó chỉ là những câu nói đúc kết của ông bà thời xưa. Thứ ba, khi làm bất cứ một việc nào, con cần xác định rõ 3 mục tiêu gồm cơ bản, trung gian, lý tưởng. Trong đó mục tiêu cơ bản luôn nằm trong tầm với và phải đạt được.
Gia đình anh Hoàng Hà.
Riêng với con gái, tôi thường nhắc con luôn cẩn trọng trước những lời đường mật. Bởi ông bà đã nói "mật ngọt chết ruồi". Khi con được khen thì hãy nói lời cảm ơn và sớm quên lời khen ấy. Cuối cùng, tôi dặn con cần xem bạn nói với mình về người khác như thế nào vì họ cũng sẽ nói với người khác về mình như vậy. Đây là cách giúp con phân biệt bạn tốt - bạn xấu.
Các con đều trong độ tuổi ương ngạnh nên cần "vừa dạy, vừa dỗ" mới hiệu quả. Tôi để ý và ghi chép lại cẩn thận những lời dạy, những câu nói hay rồi chia sẻ lại với bà xã. Vì tôi biết bà xã sẽ giúp tôi truyền thông điệp một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất đến các con.
- Quan điểm trong việc định hướng tính cách, lối sống cho con của anh như thế nào?
Văn hoá gia đình và trình độ nhận thức của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới tính cách của con cái. Đối với gia đình tôi là để con phát triển tự nhiên và tôn trọng mọi sự lựa chọn của con. Bố mẹ chỉ quan sát và góp ý giúp con làm tốt hơn. Tôi để con tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.
Không chỉ học tập tốt, con cũng cần giỏi các kỹ năng khác
- Theo anh, ngoài học tập thì đâu là kỹ năng mềm con cần phát triển?
Tôi cho rằng cha mẹ cần dạy trẻ cách quản lý tiền bạc. Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng nhưng nhiều người thường bỏ qua. Hồi con tôi còn ở Việt Nam, mỗi khi con nhận được lì xì hoặc được người lớn cho tiền, tôi hướng dẫn các con bỏ ống heo tiết kiệm. Sau này khi lớn lên thì con mở tài khoản ngân hàng để dễ quản lý.
Ở Singapore, khi con từ 13 tuổi trở lên sẽ được đi làm những công việc nhẹ nhàng như bán hàng, phụ việc nhà hàng hay quán ăn,… Tôi quan niệm chỉ khi con đi làm thì mới biết quý trọng đồng tiền và tự biết cách chi tiêu, tiết kiệm hợp lý. Vì thế, tôi luôn khuyến khích con đi làm và chỉ làm những gì luật pháp cho phép. Ở Singapore, khi con đi thực tập tốt nghiệp cũng được trả lương. Nhưng tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà ưu tiên việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm lên hàng đầu.
- Anh có cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa hay có những CLB theo sở thích không? Anh có lo sợ con dành quá nhiều thời gian dẫn đến chểnh mảng học tập?
Hồi con còn nhỏ thì tôi thường đăng ký CLB cho con. Khi con lớn thì con tự tìm hiểu rồi đăng ký tham gia theo sở thích. Tôi chưa bao giờ sợ các con mất thời gian tham gia các CLB. Thậm chí, tôi còn rất mừng vì con sẽ "bớt ôm" điện thoại.
Anh Hà khích lệ các con đi làm thêm từ sớm để biết quý trọng đồng tiền.
Cha mẹ cần… học ở con nhiều điều!
- Trong hành trình đồng hành cùng con, đâu là quãng thời gian anh cảm thấy khó khăn, áp lực nhất?
Mỗi giai đoạn "lớn" của con trẻ đều làm bố mẹ đau đầu một kiểu khác nhau. Tôi thấy giai đoạn con bước vào tuổi teen là… oải nhất. Lúc này, con dễ bộc lộ cảm xúc buồn vui thất thường, giận hờn, ương ngạnh. Vợ chồng tôi phải áp dụng phương pháp "vừa dạy vừa dỗ" mới hiệu quả.
Tôi học được một bài học lớn từ con gái tôi, đó là "size of stress". Lâu rồi, cách đây khoảng hơn 3 năm, khi tôi lớn tiếng với con: "Chuyện đó nhỏ xíu, có gì đâu mà phải cuống lên, để từ từ giải quyết, lo học đi". Và bất ngờ, con bé đã phản ứng: "Bố hơn con mấy chục tuổi nên với bố, chuyện đó là bình thường. Nhưng với độ tuổi tụi con thì đó là chuyện lớn. Bố không thể đánh đồng cái stress (áp lực) của bố với stress của tụi con, tụi con còn nhỏ mà".
Sau buổi đó, bài học tôi rút ra là khi trả lời con trẻ luôn phải "Yes/No" (Đồng ý/ Không đồng ý) rõ ràng và không nên nói "chuyện đó nhỏ như muỗi". Nói như vậy tức cha mẹ chưa đặt vào vị trí của con. Vì với cha mẹ, vấn đề là "muỗi" nhưng với con lại là "voi". Cha mẹ cần phải quay ngược thời gian đặt mình vào độ tuổi của con để giúp con giải quyết một vấn đề. Và hãy nói đơn giản, đừng nên nói những điều quá to tát, sâu xa vì con chưa đủ lớn để hiểu.
Anh Hà cảm thấy may mắn vì có người bạn đời "tâm đầu ý hợp", hết lòng cùng anh trong việc nuôi dạy con cái.
- Anh mong các con sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai?
Bố mẹ nào cũng mong con thành đạt và còn muốn con nối nghiệp. Vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng "cha mẹ sinh con trời sinh tính", suy nghĩ vậy nên cuối cùng vợ chồng tôi thống nhất để con phát triển theo cách tự nhiên.
Các con tôi đều thuộc thế hệ "gen Z", lại đi du học từ sớm nên suy nghĩ của con cấp tiến và khác thế hệ bố mẹ hồi xưa rất nhiều. Vì thế, tôi không áp đặt mà để con làm những gì con thích. Tôi chỉ đứng sau quan sát, phân tích rồi khéo léo góp ý giúp con làm tốt hơn.
Tôi chưa bao giờ dạy con trở thành lãnh đạo nhưng tôi truyền cho con tinh thần "không gì là không thể khi ta quyết tâm hướng tới". Chẳng hạn như chuyện bố mẹ bỏ công việc qua Singapore ở với con. Ngoài ra, tôi còn khích lệ con tạo niềm vui cho mình trong cuộc sống vì "niềm vui tự tạo là niềm vui vĩnh cửu".
- Đâu là câu nói anh cảm thấy tâm đắc trong việc giáo dục con?
Hình như tôi không có câu nói nào (cười). Tuy nhiên trong cuộc sống, tôi thường áp dụng câu "muốn tìm cách, không muốn tìm lý do", nên khi con đã không muốn mà ta cứ ép thì sẽ rất phí thời gian của cả hai.