Dù lông mọc trên cơ thể là việc hoàn toàn tự nhiên, bình thường nhưng không phải ai cũng thích chúng. Không ít người chọn cách nhổ, wax để loại bỏ những sợi lông trên cơ thể vì lý do vệ sinh, thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia lĩnh vực làm đẹp Fides Baldesberger - CEO thương hiệu Rubis Tweezers với 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ chăm sóc cơ thể (nhíp, kéo tỉa lông, bấm móng tay) - không phải loại lông nào cũng có thể nhổ.
Lông mọc ngược
"Tôi biết, loại lông này rất khó chịu thậm chí đau đớn nhưng nhổ chúng có thể dẫn đến nhiễm trùng và để lại sẹo. Thay vào đó hãy sử dụng hơi nước, tắm nước nóng rồi tẩy da chết để nhẹ nhàng đưa sợi lông ra khỏi da. Khi chúng mọc dài, nhìn rõ phần chân hơn mới nên dùng nhíp để kéo ra khỏi da", Fides cho biết.
Mũi
Theo Fides, lông mũi là thứ cấm kỵ không nên nhổ: "Khu vực cấm nhổ số một là mũi. Lông mũi có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và vi khuẩn. Hơn nữa, việc nhổ lông mũi cũng rất đau".
Lông mũi có nhiễm vụ ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn, không được khuyến khích nhổ.
Vùng nhạy cảm
Chuyên gia nhấn mạnh những vùng da như quanh nhũ hoa, vùng bikini, nách đều rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng và để lại sẹo. "Việc nhổ lông ở đó cũng khá đau đớn".
Lông ở mụn
"Bạn có thể gặp vài đốm mụn mủ mộc xung quanh sợi lông tơ và đây thường có thể là một loại nhiễm trùng nhỏ còn được gọi là viêm nang lông. Bạn có thể cho rằng loại bỏ lông sẽ giúp loại bỏ nhiễm trùng nhưng nó chỉ làm cho tình trạng tồi tệ hơn bằng cách đưa vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào. Trong nhiều trường hợp, nó cũng có thể để lại sẹo, tốt nhất không động vào", cô nói.
Lông ở nốt ruồi
Những sợi lông nhỏ mọc ra từ nốt ruồi khá phổ biến nhưng đây cũng là những nơi dễ gây viêm, nhiễm trùng mà Fides khuyên không nên nhổ chúng.
Một số những vị trí mà Fides cho rằng có thể nhổ lông mà không có quá nhiều rủi ro có thể kể đến như cằm, ria mép, lông mày, đốt ngón tay.
Lông mày có thể nhổ nhưng cũng nên chú trọng vệ sinh nhíp để tránh lây lan vi khuẩn, bụi bẩn lên da.
Duk Sun (Theo The Sun)