Sinh tố trái cây đóng chai - ngọt hơn bạn tưởng

Sinh tố trái cây đóng chai có thể chứa rất nhiều đường.
Nhiều người chọn sinh tố trái cây như một bữa phụ "healthy". Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm đóng chai bán sẵn chứa lượng đường lớn để tăng hương vị và thời hạn sử dụng. Theo nghiên cứu của Harvard T.H. Chan School of Public Health, một chai sinh tố đóng sẵn có thể chứa 30-40g đường, tương đương gần 10 thìa cà phê - vượt quá khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiến sĩ Lisa Young, chuyên gia dinh dưỡng kiêm giảng viên tại Đại học New York, cho biết: "Ngay cả đường từ trái cây tự nhiên cũng có thể gây tăng cân nếu tiêu thụ quá nhiều. Việc xay sinh tố khiến chất xơ bị phá vỡ, làm đường hấp thụ nhanh hơn - điều này kích thích tích trữ mỡ nội tạng".
Giải pháp: Tự làm sinh tố tại nhà, giữ nguyên chất xơ (không lọc xác), không thêm đường hoặc syrup.
Ngũ cốc ăn sáng - ngụy trang dưới lớp bột yến mạch
Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng dán nhãn "whole grain" (ngũ cốc nguyên cám) nhưng lại được bổ sung hương liệu, đường mía, mật ong, hoặc siro ngô. Điều này khiến chỉ số đường huyết (GI) của món ăn tăng cao, gây tăng insulin và lưu trữ mỡ.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrition & Metabolism (2021), các thực phẩm có GI cao khiến cơ thể dễ tích mỡ hơn và làm tăng cảm giác đói sau khi ăn, dẫn đến ăn vặt không kiểm soát.
Giải pháp: Ưu tiên yến mạch nguyên hạt (rolled oats) không đường, thêm hạt, sữa hạnh nhân hoặc trái cây tươi để tăng cảm giác no.
Sữa chua ít béo - mất béo nhưng thêm đường

Sữa chua ít béo có thể chứa nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, gây tăng tích mỡ.
Sữa chua ít béo thường được quảng bá như lựa chọn "ăn kiêng lý tưởng". Tuy nhiên, để bù lại vị béo bị loại bỏ, nhà sản xuất thường thêm đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo. Điều này không những chẳng giúp giảm cân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột - yếu tố quan trọng trong chuyển hóa mỡ.
Tiến sĩ David Ludwig, nhà nghiên cứu nội tiết tại Trường Y Harvard, cho biết: "Sữa chua ít béo chứa ít calo nhưng lại không gây cảm giác no. Nó khiến người dùng nhanh đói hơn và có xu hướng ăn nhiều hơn sau đó".
Giải pháp: Chọn sữa chua nguyên chất, không đường (full-fat plain yogurt) với lượng vừa phải. Chất béo tốt trong sữa chua giúp hấp thụ vitamin và tạo cảm giác no lâu.
Thanh protein (protein bar) - không phải lúc nào cũng tốt
Dù chứa protein, nhiều thanh năng lượng trên thị trường có tới 15-20 g đường và nhiều thành phần nhân tạo như maltodextrin, dầu cọ hydro hóa, và chất bảo quản. Một số sản phẩm còn có năng lượng tương đương... một thanh kẹo socola.
Theo báo cáo từ Mayo Clinic (2022), thanh protein chỉ nên được dùng trong tình huống khẩn cấp như sau tập luyện cường độ cao. Không nên thay thế bữa ăn hoặc ăn thường xuyên nếu mục tiêu là giảm mỡ.
Giải pháp: Kiểm tra nhãn dinh dưỡng kỹ lưỡng, ưu tiên sản phẩm có ít hơn 5 g đường, trên 10 g protein, không có chất tạo ngọt nhân tạo.
Trái cây sấy khô - nhỏ nhưng 'nguy hiểm'

Trái cây sấy khô thường được phủ thêm đường và chất bảo quản, gây tăng đường huyết, tích mỡ bụng.
Một khẩu phần nho tươi có khoảng 60 calo, nhưng khi được sấy thành nho khô, hàm lượng calo tăng gấp 3 lần - gần 150 calo cho cùng một khối lượng. Ngoài ra, một số loại trái cây sấy còn được phủ thêm đường hoặc chất bảo quản như sulfur dioxide.
Nghiên cứu của American Journal of Clinical Nutrition (2020) cho biết, trái cây khô có thể làm tăng lượng đường huyết và kích thích tích mỡ ở bụng nếu tiêu thụ quá mức, đặc biệt khi dùng như món ăn vặt.
Giải pháp: Ăn trái cây tươi là tốt nhất. Nếu dùng trái cây sấy, nên chọn loại không đường, không chất bảo quản, và giới hạn khẩu phần (khoảng 1/4 chén/lần).
Vienne (Theo Healthline, Mayo Clinic)