Ngày 25/12, ông Novak cho biết tổng xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước châu Âu năm nay đã tăng 18-20% so với năm ngoái. Số liệu 11 tháng đầu năm cho thấy lượng khí tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG) của Nga sang thị trường này đã vượt 50 tỷ m3.

"Bất chấp các tuyên bố và sức ép trừng phạt, khí đốt vẫn có nhu cầu lớn vì là sản phẩm tự nhiên. Và khí đốt Nga cũng là sản phẩm đáng tiền nhất, cả về logistics và giá cả", ông cho biết trên kênh truyền hình Rossiya-24.

Mức tăng này mạnh do nền năm 2023 thấp. Năm ngoái, khí đốt tự nhiên Nga vận chuyển sang châu Âu giảm 55,6%, xuống 28,3 tỷ m2, khi quan hệ với phương Tây xuống cấp nghiêm trọng vì xung đột tại Ukraine.

Tính toán của Reuters cho thấy con số này năm nay có thể phục hồi lên 32 tỷ m3, dựa trên số liệu xuất khẩu hàng ngày của đại gia khí đốt Nga Gazprom và thống kê của các hãng vận hành đường ống ở châu Âu.

gas-1735119659-9971-1735119786.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qp8mI-07uHCMjd-HTphGcQ

Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Bierwang (Đức) năm 2022. Ảnh: AP

Dù vậy, xuất khẩu khí đốt tự nhiên bằng đường ống của Nga sang châu Âu cũng gặp nhiều thách thức lớn. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Moskva và Kyiv sẽ hết hiệu lực cuối năm nay. Ukraine cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng.

Nửa số khí đốt của Nga sang châu Âu hiện đi qua đường ống này. Phần còn lại đi theo đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen.

Ông Novak cho biết Nga vẫn sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến đường, và Ukraine - châu Âu nên tự thống nhất về việc này. "Hiện tại, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, dù các nước châu Âu vẫn quan tâm đến đường ống này. Nó vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thỏa thuận giữa EU và Kyiv thôi", ông giải thích.

Dù vậy, xuất khẩu khí hóa lỏng của Nga bằng đường biển có thể tăng. Châu Âu hiện chưa có kế hoạch dừng mua LNG của Nga. Họ chỉ tuyên bố sẽ giảm dần mua sản phẩm này cho đến muộn nhất là năm 2027, nhờ tăng nhập khẩu từ Na Uy, Mỹ và Qatar.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022