Gần một phần ba phát thải trong chuỗi giá trị của Heineken Việt Nam từ bao bì, gồm két nhựa, chai thủy tinh, lon nhôm. "Thách thức nhất của chúng tôi là làm sao giảm được phát thải khi công ty phát triển", bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam nói. Bởi bất kỳ doanh nghiệp nhỏ hay lớn khi phát triển, mặc nhiên kéo theo tăng phát thải.

Với Heineken, họ đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trong sản xuất vào năm 2030 và toàn chuỗi cung ứng vào 2040. Để hiện thực hóa kế hoạch này, hãng đồ uống ngoại tái sử dụng 97% chai thủy tinh và 99% két nhựa, tham vọng triển khai dự án "từ lon nhôm ra lon nhôm". Khác với nhựa, nhôm là vật liệu có thể tái chế vĩnh viễn, tốn ít hơn 95% năng lượng so với sản xuất từ nguyên liệu thô.

tieu-dung-1735008596-9677-1735008765.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ii5EHDoZWgKBwEQcLtDGMQ

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội, ngày 3/2. Ảnh: Ngọc Thành

Thực phẩm và đồ uống là ngành kinh tế đem về gần 600 tỷ đồng doanh thu năm 2023, nhưng cũng là lĩnh vực có lượng luân chuyển bao bì nhựa khổng lồ. Tình trạng khủng hoảng nhựa được thừa nhận là mối đe dọa với sức khỏe con người, đa dạng sinh học và khí hậu.

Trong các loại vật liệu, nhựa kết hợp các đặc tính độc đáo như dễ uốn, sẵn có, dễ vệ sinh và khả năng bảo vệ sản phẩm bên trong, khiến chúng trở thành vật liệu đóng gói lý tưởng. Các doanh nghiệp tiêu dùng vẫn sử dụng vật liệu này, nhưng đang nỗ lực giảm thiểu chúng.

Do tính chất quy mô bán hàng, một thay đổi nhỏ trong bao bì của doanh nghiệp tiêu dùng lớn cũng giúp hạn chế hàng trăm tấn nhựa thải ra môi trường. Ngoài Heneiken, Nestle - công ty sở hữu các nhãn hàng Milo, Nescafe, Maggi sử dụng lượng bao bì tối thiểu đảm bảo tiêu chí đóng gói an toàn, hướng đến mục tiêu thu hồi nhựa khi hết vòng đời sử dụng.

Ví dụ, trọng lượng nắp chai tương Maggi giảm một nửa, sau khi doanh nghiệp bỏ khoen nhựa. Hay với chai nước Lavie 19 lít, sau khi thu gom sẽ được rửa, khử trùng, nạp lại (refill) và tái cung cấp ra thị trường được 15 lần, tức có thể tái sử dụng hơn chục lần trước khi đưa vào tái chế, đại diện Nestlé chia sẻ tại một sự kiện hồi giữa tháng 12.

Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% rác thải nhựa phát sinh đến năm 2025. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Nghị định 08/2022 cũng ràng buộc họ tái chế theo tỷ lệ và quy cách nhất định với bao bì sản phẩm.

Thực tế, sử dụng bao bì dễ tái chế, tái sử dụng là thách thức với các doanh nghiệp. Trong đó, thách thức lớn nhất là chi phí, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) hồi giữa tháng 12. Khoảng 18% doanh nghiệp gặp khó vì chi phí chuyển đổi cao. Bao bì sinh thái còn hạn chế về tính năng, trong khi phần lớn người tiêu dùng không sẵn lòng chi trả thêm phí cho sản phẩm đóng gói thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, thiếu nguồn cung và hướng dẫn về bao bì sinh thái cũng là rào cản.

Như với Heneiken, họ gặp khó khi thực hiện dự án chuyển đổi lon nhôm khi Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Hiện hầu hết sản phẩm có thành phần tái chế được nhập từ nước ngoài để sản xuất lon nhôm trong nước, đại diện Heineken nói.

Chưa kể, việc thiếu các quy định cụ thể khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ giảm cạnh tranh khi đầu tư vào bao bì bền vững. Chiến dịch chuyển đổi ống hút nhựa sang giấy được coi là bước chuyển đổi của công ty sở hữu nhãn hàng Milo, khi giảm được khoảng 1 tỷ ống hút nhựa ra môi trường mỗi năm. Nhưng khi thay đổi, chi phí sản xuất ống hút của họ tăng gấp ba, trong khi giá bán không thể tăng vì lo mất khách hàng.

Sau gần 4 năm, giá thành sản xuất ống hút giấy giảm gần bằng ống hút nhựa, nhưng thị phần mất nhiều, theo ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn kiên trì chuyển hướng, bởi họ xác định "đi đường dài nên tiếp tục đầu tư".

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022