Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,2 triệu tấn với giá trị 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, các doanh nghiệp Việt đã chi 685 triệu USD để nhập khẩu gạo, tăng 32,4% so với năm ngoái. Giá nhập chủ yếu dao động 316-380 USD một tấn, tập trung vào các loại gạo giá rẻ phục vụ sản xuất.
Theo một giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu gạo ở TP HCM, giá thế giới đang ở mức rất thấp, gần chạm đáy nên khó giảm thêm. Do đó, các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu để dự trữ nguyên liệu cho cả năm. Phần lớn gạo nhập về có phẩm cấp thấp, phục vụ chế biến và làm thức ăn chăn nuôi. Khi giá gạo "nằm đáy", doanh nghiệp tận dụng cơ hội tích trữ, đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng vọt.
Ngày 4/4, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam là 399 USD một tấn và Thái Lan là 396 USD, trong khi gạo cùng loại của Ấn Độ 380 USD. Gạo 25% tấm của Việt Nam đạt 370 USD một tấn, thấp hơn so với Thái Lan 375 USD, còn Ấn Độ là 366 USD, Pakistan 359 USD một tấn.

Lúa gạo miền Tây. Ảnh: Thuỷ Tiên
Các doanh nghiệp dự báo, nhập khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm có thể vượt 1 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu có thể chậm lại dù Việt Nam ngày càng tập trung vào gạo chất lượng cao.
Tại một hội nghị gần đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định gạo Việt đang ở ngưỡng không dư để bán. Do đó, các doanh nghiệp nhập nhiều gạo giá rẻ để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, bún, phở.
Theo ông Nam, ngành lúa gạo Việt Nam hiện có hai hướng phát triển. Một là, sản xuất và xuất khẩu từ nguồn cung trong nước. Diện tích trồng lúa đang giảm theo định hướng của Chính phủ. Nếu mở rộng xuất khẩu, nguồn cung có thể không đủ; ngược lại, nếu không mở rộng, Việt Nam có nguy cơ bị ép giá.
Hai là, thu mua và xuất khẩu từ các nước khác. Nhiều doanh nghiệp nhập gạo từ Campuchia để phục vụ xuất khẩu, giúp nông dân nước này bán được giá tốt hơn, còn Việt Nam đảm bảo nguồn cung ổn định. Ông Nam đánh giá, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại trong nước mà còn tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới.
Hiện, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,1% thị phần. Bờ Biển Ngà và Ghana lần lượt chiếm 16,3% và 10,2%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu từ Campuchia và Ấn Độ.
Thi Hà