"Một nền kinh tế trẻ, sôi động như Việt Nam chắc chắn có tiềm năng thu hút và nuôi dưỡng những công ty xuất chúng", ông Kwon viết, trích dẫn nội dung cuốn sách BCG xuất bản gần đây có tựa đề "Vượt trên sự vĩ đại: 9 chiến lược phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên biến động và đổi mới".

Ông Il-Dong Kwon là Tổng giám đốc Công ty TNHH The Boston Consulting Group - chi nhánh của Tập đoàn BCG tại Việt Nam, với kinh nghiệm 7 năm làm việc với nhiều nhà lãnh đạo trong ngành, đại diện chính quyền trung ương, địa phương về chiến lược và các chương trình chuyển đổi quy mô lớn. Ông đồng thời phụ trách hoạt động quản trị rủi ro của BCG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

-5115-1665389361.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XwcV_ClLwW1e-4DlOAXkXw

Ông Il-Dong Kwon, TGĐ công ty TNHH The Boston Consulting Group, Ảnh: Boston Consulting Group

Theo ông Il-Dong Kwon, bất chấp đại dịch, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Các ông lớn như Microsoft, Apple, Sony, Nokia, Cisco, Alcatel-Lucent và nhiều công ty khác đang triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển, phát triển phần mềm và chế biến - chế tạo.

Vào năm 2021, Việt Nam và Singapore đã bắt đầu thảo luận về các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số (DEA), nhằm mở rộng quy mô, thúc đẩy startup công nghệ trong nước sang thị trường mới.

"Việt Nam có cơ hội để thiết lập một nền tảng mới mẻ, văn hóa doanh nghiệp xuất chúng với đặc tính thích ứng nhanh, có trách nhiệm, hòa nhập và linh hoạt hơn trước những nhiễu động thị trường", ông Il-Dong Kwon đánh giá.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, mặc dù phát triển nhanh nhất châu Á,Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, điều này gần như làm tê liệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bên cạnh đó, cuộc chiến Ukraine-Nga cũng đang làm ảnh hưởng trầm trọng thêm nguồn cung toàn cầu, từ thực phẩm đến nhiên liệu.

Điều tích cực là kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 dự kiến từ 6% đến 8,5%. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn nhận: "Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số". Riêng doanh thu lĩnh vực ICT năm 2021 tăng 9% so với năm 2020.

Thách thức đối với doanh nghiệp

Riêng năm 2021, có 5.600 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải vật lộn để duy trì khả năng linh hoạt và thích ứng nhanh để đáp ứng nhu cầu mới, cấp bách của người tiêu dùng, đặc biệt là các SME - đối tượng chiếm 98% số doanh nghiệp trong cả nước. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chi phí đầu tư cho số hóa là rào cản hàng đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

"Chuyển đổi số cũng là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và nền kinh tế ' phát thải ròng bằng 0' 'vào năm 2050. Nhưng điều này cũng đòi hỏi một phương pháp tiếp cận kỹ thuật số và giáo dục toàn diện hơn, không bỏ sót ai phía sau", ông Il-Dong Kwon viết.

Ông cho biết các biện pháp tự vệ thương mại do nhiều nước như Mỹ và vương quốc Anh áp đặt ước tính đã khiến Việt Nam tiêu tốn 12 tỷ USD xuất khẩu, chủ yếu liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như kim loại (nhôm và thép), thủy sản (tôm, cá), ván ép, vật liệu xây dựng và hóa chất.

"Những tổn thất này sẽ tiếp tục tăng nếu còn những nguồn lực gây nhiễu động, dẫn đến "tuổi thọ trung bình" của các công ty bị thu hẹp lại. Tỷ lệ thất bại của doanh nghiệp ngày nay cao gấp sáu lần so với 40 năm trước. Đã đến lúc viết lại các quy tắc trong điều hành bởi sự xuất chúng đồng nghĩa với hướng tới cái mới, và không gì có thể cản trở", ông nhận định. .

Trước đây, sự vĩ đại được định nghĩa là sự mang lại Tổng lợi nhuận cổ đông (TSR) vượt trội và xây dựng lợi thế cạnh tranh từ các sản phẩm và dịch vụ khác biệt, và tận dụng quy mô và hiệu quả. Ngày nay, một trật tự thế giới mới đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi hơn.

-4268-1665389362.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zkWz7bXa52f6ancXeGeXZA

Bìa sách "Vượt trên sự vĩ đại: 9 chiến lược phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên biến động và đổi mới". Ảnh: Boston Consulting Group

Xây dựng các doanh nghiệp xuất chúng ở Việt Nam

"Với những nhiễu động mà chúng ta đang phải đối mặt, để thành công trong thời đại ngày nay, các công ty phải mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên liên quan, trong đó có vì lợi nhuận của cổ đông, chuyển từ các sản phẩm và dịch vụ đơn thuần sang các giải pháp được cá nhân hóa theo trải nghiệm khách hàng, từ đó không chỉ mở rộng quy mô một cách thông minh, với chi phí hợp lý, mà còn linh hoạt, thích ứng và hồi phục nhanh chóng", ông Il-Dong Kwon viết.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ sẽ cần phải thực hiện những chuyển đổi táo bạo, dựa trên ba khía cạnh quan trọng gồm tăng trưởng, vận hành và tổ chức, nếu muốn phát triển mạnh trong môi trường kinh tế hiện tại.

Để trở nên xuất chúng, các doanh nghiệp phải xác định lại các giá trị vận hành cốt lõi để tạo ra những tác động xã hội. Những tác động xã hội này sẽ góp phần tạo ra TSR cao, bền vững cũng như tác động tích cực đến tất cả các bên liên quan.

Doanh nghiệp cũng cần đưa ra các giải pháp và trải nghiệm kỹ thuật số mới hấp dẫn, tận dụng công nghệ để giải bài toán nhu cầu thị trường. Các công ty hàng đầu đang có xu hướng theo mô hình Asset-light (không đầu tư lớn vào tài sản vốn như đất đai, văn phòng, nhà máy, máy móc...), tập trung vào kỹ thuật số, hoặc thương mại điện tử để làm mới cuộc chơi trên toàn cầu. Họ có xu hướng xác định một cách chọn lọc hơn những thị trường muốn tham gia và cách thức để củng cố hoạt động của mình ở những thị trường đó.

Để trở thành một doanh nghiệp vượt trội, cần xây dựng hệ sinh thái có khả năng bổ sung vào chuỗi giá trị truyền thống các giá trị mới, với giải pháp và trải nghiệm mới mà khách hàng khao khát.

Đầu tư vào các nhà máy công nghệ cao, trung tâm giao hàng với mạng lưới tại nhiều địa phương, kết hợp với với năng lực tối ưu chi phí có thể tạo ra các dịch vụ tùy chỉnh linh hoạt, nhanh chóng. Việc xây dựng một hệ thống kiến trúc dữ liệu toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp hiểu sâu sát hơn về các động lực thúc đẩy hiệu suất, hành vi của người tiêu dùng và đưa ra những đề xuất giá trị vượt trội.

Các doanh nghiệp tập trung, ổn định và tiến nhanh là những đơn vị đã rời bỏ cấu trúc tổ chức truyền thống để chuyển sang mô hình các đội ngũ agile (linh hoạt), lấy khách hàng làm trọng tâm, được hỗ trợ bởi các năng lực nền tảng.

Các tổ chức quan liêu và cứng nhắc không có chỗ đứng trong hành trình vươn tới tầm vĩ đại. Thay vào đó, doanh nghiệp phát triển bằng cách thu hút hoặc đào tạo lại lực lượng lao động kỹ thuật số của thế kỷ 21, luôn sẵn sàng và luôn trong trạng thái chuyển đổi sẽ dành thế cạnh tranh và chiến thắng trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, đòi hỏi phải thành thạo trong việc thực hiện nhiều chương trình chuyển đổi tại bất kỳ thời điểm nào.

Phong Vân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022