Thông tin trên được ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - nêu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam chiều 31/3.
Đơn vị này đang rà soát và chuẩn bị xây dựng đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2035. Đây là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Khi đánh giá lại kết quả thực hiện, lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cho biết Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Đánh giá sơ bộ này dựa trên rà soát 45% biện pháp Việt Nam đưa ra trong cam kết, chưa gồm giải pháp xây dựng điện hạt nhân (chưa có khi xây dựng NDC năm 2022).
Cơ quan này sẽ tiếp tục đánh giá số biện pháp còn lại trong hơn một tháng tới và báo cáo kết quả với Thủ tướng.

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, tháng 2/2019. Ảnh:Quỳnh Trần
Mục tiêu Net Zero khó đạt bởi lộ trình này xây dựng dựa trên tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng việc thực hiện đang quá chậm, theo ông Tấn. Các biện pháp đưa ra là giảm sản lượng điện than, tăng gấp đôi công suất điện gió và mặt trời lên 31-38 GW vào 2030. Tiềm năng về năng lượng tái tạo dự kiến được khai thác từ các cơ chế tài chính của Thỏa thuận khí hậu Paris.
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt 84.360 MW, trong đó, điện gió và mặt trời chiếm trên 27%. Tính riêng điện mặt trời, công suất lắp đặt ước đạt khoảng 18.000 MW, nhưng chỉ khoảng 12.000 MW có thể kết nối vào hệ thống điện quốc gia do hạn chế về hạ tầng truyền tải.
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu Net Zero, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nâng mạnh công suất năng lượng tái tạo. Trong đó, điện gió trên bờ, gần bờ dự kiến đạt 26.000-38.000 MW (tăng 4.100-16.100 MW); điện mặt trời tăng hơn gấp đôi, lên 46.400-73.400 MW. Với mục tiêu này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ước tính Việt Nam cần phê duyệt tới 640 dự án điện gió và 1.100 dự án điện mặt trời trong 5,5 năm tới.
Phê duyệt lượng dự án khổng lồ như vậy là rất thách thức, theo ông Tuấn. Trong khi đó, Việt Nam cần giải quyết nhanh, dứt điểm và hợp lý, hợp tình với các dự án năng lượng tái tạo đang vướng mắc về thủ tục đầu tư trong giai đoạn được hưởng giá FIT (giá ưu đãi).
Mặc dù vậy, Việt Nam đang có thuận lợi về chính sách khi chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất quán về chuyển dịch năng lượng, tiến tới trung hòa carbon, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt văn bản quy định mới được ban hành, tạo điều kiện để chuyển dịch năng lượng như Luật điện lực (sửa đổi) cùng các nghị định hướng dẫn.
Ngoài ra, chính phủ đã xem xét bổ sung 142 dự án điện mặt trời từng vướng mắc pháp lý vào Quy hoạch điện VIII, thể hiện nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cơ quan chức năng.
Với sự quyết tâm này, Phó cục trưởng Biến đổi khí hậu kỳ vọng dự án điện hạt nhân cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thực hiện được lộ trình giảm thải song song với mục tiêu tăng trưởng.
Thủy Trương