Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 107 đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để điều tiết việc nhập khẩu phù hợp từng thời kỳ.

Góp ý, Liên đoàn Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng điều khoản về quản lý nhập khẩu lúa gạo tại dự thảo này chưa rõ tiêu chí đánh giá tăng nhập khẩu có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, không rõ các biện pháp quản lý mà cơ quan Nhà nước đề xuất là gì.

"Việc áp dụng các biện pháp quản lý hạn chế nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong nước, khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm từ Việt Nam", VCCI lo ngại.

Cơ quan này cũng nêu quan điểm, các biện pháp quản lý nhập khẩu nếu áp dụng, cần xem xét đến lợi ích của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu để sản xuất. Vì thế, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần cân nhắc khi bổ sung quy định về nhập khẩu lúa, gạo.

nong-dan-An-Do-thu-hoach-lua-g-8810-3956-1670078320.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CNwaeS9y_mmFQeENZmDyWQ

Nông dân Ấn Độ thu hoạch gạo ở ngoại ô Srinagar ngày 22/9/2020. Ảnh: Reuters.

Trước đó, lý do được Bộ Công Thương nêu khi muốn hạn chế nhập lúa gạo giá rẻ, cấp thấp vì Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo nhưng vừa qua đã nhập khẩu một số loại gạo phục vụ nhu cầu trong nước, nhiều nhất từ Ấn Độ. Các loại gạo cấp thấp được nhập về, theo giải thích của các đơn vị nhập khẩu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nấu bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, lần đầu Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ (719.970 tấn), với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác).

Tuy vậy, nhờ giá rẻ và được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), sản lượng gạo nhập từ thị trường này tăng mạnh. Việc nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý, thống kê đầy đủ, khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trong nước đồng tình quan điểm nên hạn chế nhập gạo giá rẻ, để "bảo vệ quyền lợi hàng chục triệu nông dân, ngành sản xuất lúa gạo trong nước". Mặt khác họ cho rằng không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập về kê khai để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng lại trà trộn để xuất sang thị trường khác, gây nhiễu và cạnh tranh không lành mạnh.

"Thu nhập người nông dân vẫn rất bấp bênh, thay vì các doanh nghiệp nhập khẩu chủng loại gạo thấp về sản xuất, có thể mua ngay tại thị trường trong nước. Việc này giúp nâng giá bán, giúp người nông dân trồng lúa tăng thu nhập", ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An bình luận.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022