HSBC đã đồng ý bán hoạt động kinh doanh tại Canada cho đối thủ là Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) với giá 13,5 tỷ đôla Canada (10 tỷ USD) trong tuần này, sau một cuộc đánh giá chiến lược vào tháng 10.
Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Canada là thị trường lớn thứ 5 của HSBC và đang hoạt động tốt. Hoạt động kinh doanh ở Canada chủ yếu phục vụ khách hàng và doanh nghiệp giàu có của HSBC từ Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á trên phạm vi quốc tế.
Các chi nhánh của họ tại nước này tập trung nhiều ở các khu vực đô thị, được ưa chuộng bởi những người nhập cư từ châu Á, chẳng hạn như Toronto và Vancouver, và hơn 1,8 triệu người, tương đương khoảng 5% dân số Canada. HSBC liên tục có lãi tại đây và kết quả kinh doanh tốt hơn ở Mỹ. Chỉ riêng năm ngoái, thị trường Canada đã tạo ra lợi nhuận trước thuế là 768 triệu USD, so với 528 triệu USD ở Mỹ.
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HSBC tại thị trường này đạt 788 triệu đôla Canada, doanh thu là 1,83 tỷ đôla Canada, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đến cuối năm ngoái, HSBC Canada nắm giữ 58,1 tỷ USD tiền gửi khách hàng, trở thành thị trường lớn thứ 5. Trong khi đó, tại Hong Kong - thị trường lớn nhất - HSBC có 549,4 tỷ USD, Trung Quốc đại lục có 59,3 tỷ USD và Singapore có 57,6 tỷ USD.
Người đi bộ ngang qua logo của HSBC trên đường Pedder, Hong Kong. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, HSBC vẫn quyết định rút khỏi đây vì muốn chú trọng hơn vào châu Á và các hoạt động đóng vai trò quan trọng trong ngân hàng. Kenny Ng Lai-yin, Chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết dù HSBC là một ngân hàng toàn cầu, phần lớn doanh thu của họ đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của HSBC tại khu vực này đang tăng mạnh. "Do đó, việc bán mảng kinh doanh tại Canada được cho là một sự cân nhắc chiến lược, qua đó HSBC có thể tập trung nhiều nguồn lực hơn vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia này phân tích.
Cùng với đó, thương vụ diễn ra sau áp lực từ cổ đông lớn nhất của HSBC là Ping An - nắm giữ 8,3% cổ phần. HSBC có trụ sở tại London nhưng tạo ra phần lớn lợi nhuận ở châu Á. Vì vậy, Ping An đã lập luận rằng việc tách riêng mảng kinh doanh tại châu Á có thể giải phóng 25 tỷ đến 35 tỷ USD giá trị thị trường và hàng tỷ USD vốn bổ sung bị nắm giữ vì lý do pháp lý.
Vào đầu tháng 11, Michael Huang, Chủ tịch Ping An Asset Management, đơn vị giám sát khoản đầu tư của công ty bảo hiểm vào HSBC, đã kêu gọi nhà băng "tích cực hơn nữa" trong việc cắt giảm chi phí và đặt câu hỏi liệu mô hình quốc tế của ngân hàng có phù hợp với tình hình địa chính trị và tài chính đang thay đổi ngày nay hay không.
"Chúng tôi đề nghị HSBC nên lập kế hoạch trước và nghĩ về 'mô hình toàn cầu mới' sẽ như thế nào? Cần đánh giá cẩn thận giá trị và đóng góp kinh doanh của từng khía cạnh, đồng thời tạo ra sự cân bằng giữa mô hình tài chính toàn cầu và các rủi ro địa chính trị, hệ thống xuyên biên giới để đạt được hoạt động lâu dài, bền vững và ổn định", ông Michael Huang nói.
Giám đốc điều hành HSBC Noel Quinn và các lãnh đạo đã phản bác rằng ngân hàng này tạo ra phần lớn hoạt động kinh doanh của mình thông qua mạng lưới quốc tế và việc tách hoạt động ở châu Á sẽ đòi hỏi phải tạo ra một mạng công nghệ thông tin hoàn toàn khác cho hoạt động kinh doanh mới với chi phí lớn. HSBC hiện hoạt động tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Nhà băng này cho biết hoạt động kinh doanh ở Canada đã hoạt động tốt, đặc biệt là sau đại dịch, nhưng thiếu quy mô để cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn, đặc biệt khi so sánh với dấu ấn của HSBC ở các thị trường khác.
"Thị phần của chúng tôi ở Canada là khoảng 3%", ông Quinn cho biết. Hoạt động tại Canada của HSBC chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng bán buôn và tài chính chuỗi cung ứng, ít kết nối quốc tế hơn so với nhiều thị trường khác mà họ hoạt động.
Theo RBC, danh mục cho vay của HSBC Canada được phân chia "khá đồng đều" giữa một bên là các khoản vay thế chấp nhà ở và một bên là các khoản vay thương mại và doanh nghiệp. Họ có khoảng 800.000 khách hàng ở Canada.
HSBC thành lập từ 157 năm trước ở Hong Kong và Thượng Hải, có lúc sở hữu 81 chi nhánh trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tham vọng toàn cầu của họ đã bị thu hẹp phần nào trong những năm gần đây, khi ngân hàng rút lui khỏi các thị trường và chuyển vốn từ các đơn vị hoạt động kém hiệu quả ở phương Tây sang các thị trường đang phát triển ở châu Á. Nhà băng này cũng là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây về các vấn đề như Hong Kong và Huawei những năm gần đây.
Việc bán hoạt động kinh doanh tại Canada của HSBC đánh dấu bước cải tổ mới nhất đối với hoạt động của ngân hàng này tại châu Mỹ, sau khi bán hoạt động tại Brazil với giá 5,2 tỷ USD năm 2016 và rút khỏi hoạt động kinh doanh bán lẻ trên thị trường đại chúng Mỹ năm ngoái.
Đây cũng là vụ mới nhất trong một loạt vụ thoái vốn kể từ khi ông Quinn trở thành CEO vào năm 2019. Ông cũng đang cho bán hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại Pháp của HSBC cho Cerberus. Hồi tháng 7, ông cũng đồng ý bán bớt các hoạt động tại Nga cho Expobank.
HSBC vào Canada năm 1981. Họ đã thực hiện khoảng một chục vụ mua lại, bao gồm cả Ngân hàng British Columbia vào năm 1986 để mở rộng hoạt động kinh doanh theo thời gian, trở thành ngân hàng lớn thứ bảy ở Canada. Hiện ngân hàng này có khoảng 130 chi nhánh và 4.200 nhân viên trên khắp Canada và tài sản trị giá 134 tỷ đôla Canada.
Với Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC), thương vụ sẽ giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các khách hàng giàu có đang tìm kiếm các sản phẩm quản lý tài sản và những người mới đến Canada vì lượng người nhập cư dự kiến tăng lên đáng kể trong trong những năm tới.
"Nó cũng sẽ giúp chúng tôi phục vụ tốt hơn các khách hàng toàn cầu muốn đầu tư và phát triển ở Canada, đây là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của đất nước", Dave McKay, Chủ tịch kiêm CEO của RBC, cho biết.
Phiên An (theo SCMP)