Hendricks (77 tuổi) hiện sở hữu 20,9 tỷ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Mỹ, theo danh sách công bố tuần này của tạp chí Forbes. Đây là năm thứ 7 liên tiếp bà giữ vị trí này. Tài sản của Hendricks đã tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước, chủ yếu nhờ hãng cung cấp vật liệu sửa nhà ABC Supply.

Hai vợ chồng bà thành lập công ty này năm 1982. Hendricks hiện là chủ tịch, sở hữu 100% công ty. ABC Supply hiện có hơn 900 chi nhánh và đạt doanh thu 20,4 tỷ USD năm ngoái.

Cũng như các tỷ phú tự thân khác, sự nghiệp của Hendricks không bằng phẳng. Hendricks lớn lên trong một trang trại ở Wisconsin (Mỹ). Là con thứ 4 trong gia đình có 9 con gái, Hendricks không được phép làm các công việc "chỉ dành cho đàn ông" (theo lời cha bà), như vắt sữa bò hay lái máy kéo.

Khi lên 10, bà từng nhìn ra cửa sổ và nghĩ: "Mình không muốn trở thành nông dân. Mình cũng không muốn cưới một nông dân". Thay vào đó, bà luôn nghĩ đến cảnh mình "mặc một bộ vest xanh, có một chiếc xe đẹp và sống hoàn toàn độc lập", Hendricks cho biết trên Forbes.

Suy nghĩ này, cộng với việc chứng kiến cha mẹ lao động tại nông trại, khiến Hendricks muốn có sự nghiệp riêng. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể khi bà mang thai ở tuổi 17 và phải rời trường học.

diane-hendricks-3434-1717253250.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=goLwg109QfpSXsPGzmylFQ

Diane Hendricks trong một căn nhà của bà ở Wisconsin. Ảnh: Forbes

Bà kết hôn với cha đứa bé và chuyển đến sống tại nơi cách đó hơn 300 km. 3 năm sau, bà nộp đơn ly dị và trở thành mẹ đơn thân. Hendricks phải làm rất nhiều việc, kể cả làm bồi bàn tại một câu lạc bộ đêm của Playboy tại địa phương. "Bạn làm cái mình phải làm thôi", Hendricks nói về khoảng thời gian đó.

"Đó là khi tôi thực sự nghĩ mình phải có một sự nghiệp mà tôi từng mơ ước, tức là làm kinh doanh", bà nhớ lại.

Không lâu sau đó, bà bắt đầu bán bất động sản quanh khu Wisconsin. Thập niên 70, Hendricks gặp và kết hôn với Ken - một thợ sửa mái nhà. Chỉ trong 3 năm, cả hai mua 200 căn nhà cũ, sửa sang lại và cho sinh viên thuê. "Tôi đã phải cọ rất nhiều toilet", bà nhớ lại.

Năm 1982, họ thế chấp tất cả những gì mình có để vay ngân hàng 900.000 USD, mua hai cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng đang gặp khó và thành lập ABC Supply. Họ mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất, sau đó bán cho các nhà thầu và những người làm theo dự án như Ken. Cả hai sau đó đầu tư vào dịch vụ khách hàng để tồn tại trong ngành công nghiệp nổi tiếng là kém thân thiện này.

Năm 1998, công ty đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD, theo thông tin trên website. Nhưng sau đó, biến cố ập đến. Tháng 12/2007, Ken quay về nhà sau khi dự một bữa tiệc tối và trèo lên trên garage để kiểm tra mái mới. Ông bị ngã và qua đời trong cuộc phẫu thuật đêm hôm đó.

Nhiều người cho rằng công ty của Hendricks sẽ không thể cầm cự. Một đối thủ thậm chí đã đề nghị mua lại công ty. "Họ cho rằng tôi là phụ nữ, và tôi sẽ bán", bà cho biết. Nhưng thay vào đó, Hendricks đề nghị David Luck - một lãnh đạo trong công ty khi đó - lên nắm quyền CEO, còn bà thành chủ tịch.

Đó là quãng thời gian khó khăn, không chỉ vì bà mất người chồng đã chung sống 40 năm. Doanh thu ABC giảm 7% giai đoạn 2006 - 2009 khi thị trường bất động sản lao dốc. Lần đầu tiên, ABC phải đóng bớt cửa hàng.

Nhưng trong khó khăn, Hendricks lại nhìn thấy cơ hội. Tận dụng thời kỳ giá mọi thứ lao dốc, bà chỉ đạo ABC thực hiện vụ M&A lớn nhất lịch sử công ty, khi mua lại đối thủ Bradco năm 2010. Công ty này khi đó đạt doanh thu hàng năm 1,6 tỷ USD. 6 năm sau đó, bà chi 674 triệu USD mua hãng phân phối vật liệu xây dựng L&W Supply.

Hendricks từng bán 40% cổ phần ABC bà đang nắm cho một người ủng hộ, với điều kiện sẽ mua lại trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, bà đã làm được điều đó trong vòng 4 năm. "Tôi đã liều lĩnh. Tôi muốn các con mình điều hành công ty. Nó không phải là thứ có thể mang ra bán", bà nói.

Hendricks còn mua và cải tạo nhiều tòa nhà lịch sử, doanh nghiệp lâu đời của thị trấn. Bà cũng đã chi hàng triệu USD cho các dự án của địa phương, nhằm xây lại những bất động sản bị bỏ hoang và đưa đến đây nhiều doanh nghiệp mới, Forbes cho biết.

Năm 2017, bà mở một trung tâm việc làm, tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng về công nghệ và xây dựng cho học sinh trung học. Bà cho biết trên Forbes rằng chương trình này nhằm giúp các học sinh "hiểu về giá trị của một công việc".

"Bọn trẻ đều ồ lên: ‘À, thì ra đó là cách thợ hàn làm việc’. Chúng có thể đến trường nghề và trở thành một thợ hàn với mức lương 50.000 USD một năm. Đó là những công việc thực sự tốt", bà nói.

Hendricks cũng từng 2 lần vượt qua ung thư. Bà bị ung thư tử cung năm 33 tuổi và ung thư vú năm 69. Hiện tại, bà là chủ tịch NorthStar Medical Radioisotopes - hãng dược chuyên nghiên cứu thuốc chữa ung thư và tim mạch. Bà đã đổ 550 triệu USD vào công ty này.

Thách thức thực sự với bà chỉ là thời gian. "Đây là điều khó chịu nhất khi già đi", bà nói, "Chúa ơi, tôi vẫn còn quá nhiều việc phải làm". Hendricks vẫn dậy lúc 5h sáng mỗi ngày, trừ cuối tuần, và 7h đã ra khỏi nhà. "Tôi vẫn làm việc vì tôi còn có thể suy nghĩ", bà nói.

Hà Thu (theo Forbes, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022