Cục Hải quan TP HCM cuối tháng 1 ban hành quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), do doanh nghiệp này có khoản nợ thuế hơn 27,5 tỷ đồng quá thời hạn nộp 90 ngày.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong một năm từ 31/1 và sẽ chấm dứt khi doanh nghiệp nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Chia sẻ với VnExpress ngày 21/2, đại diện của Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp sẽ hoàn tất thanh toán nợ thuế trong tháng 2 này.

13-khanh-thanh-nha-may-dien-gi-5993-6487-1708490102.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2quuqDV7edZYiuvsJnjGcQ

Nhà máy điện gió Trung Nam, một trong các dự án năng lượng tái tạo của Trung Nam Group. Ảnh: Trung Nam Group.

Lý giải về việc nợ thuế lần này, đại diện Trung Nam Group nói hoạt động kinh doanh doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Thời gian qua, nguồn tiền từ việc bán điện cho EVN bị chậm thanh toán. Thông thường, doanh nghiệp được nhận tiền bán điện trong 45 ngày nhưng khoản tiền này bị chậm thanh toán tới 3 tháng. Trong khi đó, họ ưu tiên chi trả lương thưởng cho người lao động dịp Tết nguyên đán 2024, nên chưa cân đối được dòng tiền ngắn hạn, dẫn đến chậm thanh toán tiền thuế.

Trung Nam Group là doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm hạ tầng, năng lượng, bất động sản công nghiệp, bất động sản đô thị, bất động sản du lịch và sản xuất bo mạch điện tử. Trong đó, năng lượng là mảng chủ chốt của tập đoàn này, với nhiều nhà máy thủy điện và các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến cuối tháng 10/2021, Trung Nam đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Nhưng một số dự án thủy điện, năng lượng tái tạo của doanh nghiệp này chưa đảm bảo pháp lý, vướng mắc, hoặc vi phạm quy định. Chẳng hạn, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận kết hợp đầu tư trạm biến áp và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư có phần công suất 172 MW bị EVN dừng huy động vì không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định). Bởi, trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất khoảng 108 ha được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật (diện tích đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy).

Hay, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, giá tạm tính mua điện theo hợp đồng mua bán giữa Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam và Công ty Mua bán điện (EPTC, thuộc EVN) cao gấp đôi mức trần khung giá cho phép vào năm 2013. Thanh tra Chính phủ cho rằng việc này chưa đảm bảo pháp lý, vi phạm Luật Điện lực và quy định hướng dẫn luật này.

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022