Công ty được cổ phần hóa từ năm 2010, chuyên sản xuất các bộ phim được Nhà nước đặt hàng như "Lính chiến", "Phượng cháy", "Tình yêu vô tình". Hiện tại, "Đào, phở và piano" là bộ phim mới nhất ra rạp của hãng này, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.

428600572-785163363645453-4525-6847-9315-1708502587.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H1f63LtwMJcieco8SufWCw

Poster phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Trung tâm chiếu phim Quốc gia

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, Công ty cổ phần Phim truyện I đạt doanh thu hơn 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021. Gần 98% doanh thu đến từ mảng sản xuất phim. Tuy nhiên, giá vốn sản xuất phim có tỷ lệ cao, biên lãi gộp của công ty chỉ khoảng 5%, tương đương 688 triệu đồng.

Công ty Phim truyện I không tốn chi phí tài chính và chi phí bán hàng, nhưng mất hơn 1,1 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp, phần lớn là chi phí nhân viên và hành chính. Nếu chỉ nhờ vào hoạt động sản xuất phim, công ty sẽ không đủ bù đắp chi phí.

Việc doanh nghiệp này vẫn duy trì được hoạt động còn nhờ vào lãi tiền gửi và tiền cho vay. Năm 2022, công ty có gần 475 triệu đồng doanh thu tài chính, giảm 24% so với năm trước đó. Do không mất chi phí, hoạt động tài chính mang về lợi nhuận tương đương 70% lãi gộp mảng sản xuất phim. Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có gần 3,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Tổng lại, Công ty Phim truyện I lãi sau thuế hơn 25 triệu đồng, tức biên lợi nhuận chỉ 0,2%. Mức này đã cải thiện so với năm 2022 khi doanh nghiệp này lỗ hơn 9 triệu đồng. Năm 2020, công ty kinh doanh huề vốn.

Tính đến hết năm 2022, hãng phim này lỗ lũy kế gần 1,8 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu có 20 tỷ đồng doanh thu và 30 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 34% và 16% so với năm 2022.

Ban lãnh đạo hãng phim cho biết thù lao của các nghệ sĩ và diễn viên là khoản chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, thù lao cho các diễn viên, nghệ sĩ có tên tuổi thường biến động lớn theo xu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty cũng hoạt động trong ngành sản xuất có đặc thù về vòng quay vốn chậm. Các khách hàng chủ yếu là sở ban ngành, doanh nghiệp tư nhân nên vấn đề thu hồi nợ, quay vòng vốn ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính.

Cuối năm ngoái, công ty mẹ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ khi chào bán gần 841.000 cổ phần Phim truyện I, chiếm gần 60% vốn điều lệ. Trong phiên đấu giá có hai nhà đầu tư cá nhân tham gia, một người đã trúng thầu với giá gần 8,9 tỷ đồng.

"Đào, phở và piano" là phim điện ảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng với kinh phí 11 tỷ đồng, tái hiện cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947.

Ban đầu, phim chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) từ Mồng 1 Tết (10/2) với số suất ít. Nhờ các bài viết, video đánh giá tích cực từ khán giả, nhất là các bạn trẻ trên mạng xã hội, nhiều người bắt đầu đến rạp xem, dẫn đến tình trạng "cháy" vé. Trung tâm chiếu phim Quốc gia phải mở thêm suất chiếu nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí trang web của đơn vị này bị "sập" khi lượng truy cập đặt vé xem tăng đột biến.

Theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, doanh số của phim này đạt hơn 510 triệu đồng, rất thấp so với các phim thương mại được chiếu rộng rãi. Thời gian tới, hai hệ thống rạp chiếu phim Beta Cinemas và Cinestar sẽ chiếu phim để đáp ứng nhu cầu của khán giả cả nước.

Box Office Vietnam đánh giá "cơn sốt" của "Đào, phở và piano" thực sự thú vị và hy vọng kết quả doanh thu tốt sẽ tạo tiền đề cho nhiều tác phẩm với chủ đề tương tự được đầu tư, sản xuất và phổ biến đến đại bộ phận khán giả.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022