Cùng là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhưng thời hạn đóng phí ghi trên hợp đồng của một số khách hàng chỉ khoảng 20 năm, còn một số hợp đồng lại lên tới 50-100 năm. Điều này gây nên tâm lý hoang mang đối với nhiều người tham gia bảo hiểm.

Nhiều khách hàng lo ngại bị "mắc kẹt" với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn lên tới 99-100 năm, sau khi đọc các thông tin ghi trên hợp đồng. Tuy nhiên, mối lo ngại này xuất phát từ sự hiểu nhầm giữa hai khái niệm: thời hạn hợp đồng và thời hạn đóng phí.

Screen-Shot-2023-04-17-at-15-3-2010-1210-1681727794.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NtEr0uKpXBKAT4MbIbbnrQ

Thời hạn đóng phí ghi trên hợp đồng là 68 năm, nhưng không có nghĩa khách hàng bắt buộc phải đóng phí đến thời điểm này. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ gồm nhiều dòng sản phẩm, nhưng nếu xét theo thời hạn hợp đồng thì được phân thành hai loại.

Loại thứ nhất là bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn, được thiết kế với thời hạn bảo vệ nhất định như 5 năm, 10 năm, 20 năm. Đây vốn là dòng sản phẩm truyền thống của các nhà bảo hiểm, phổ biến nhất là bảo hiểm hỗn hợp.

Bà Lê Thị Kim Ngân, một đại lý bảo hiểm lâu năm trong ngành lấy ví dụ, sản phẩm có thời hạn hợp đồng 16 năm, thời hạn đóng phí 12 năm thì khách hàng bắt buộc phải đóng phí đầy đủ và đúng hạn trong 12 năm.

Khách hàng không cần đóng thêm tiền từ năm thứ 13. Nhưng nếu muốn nhận về số tiền tối ưu nhất, khách hàng chỉ nên rút toàn bộ tiền vào năm 16. Khách hàng có quyền rút trước thời hạn hợp đồng 16 năm nhưng đây không phải điều được khuyến khích. Khách hàng rút tiền càng sớm số tiền nhận về càng ít, bà Ngân cho hay.

Loại thứ hai là bảo hiểm bảo vệ trọn đời, có thời hạn hợp đồng lên tới 100 tuổi - dòng sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

Tại Việt Nam, loại bảo hiểm nhân thọ trọn đời có thời hạn hợp đồng lên tới 99 hoặc 100 tuổi, gồm các loại bảo hiểm không tham gia chia lãi, có tham gia chia lãi và dòng sản phẩm liên kết đầu tư.

Trong đó, gặp nhiều nhất trên thị trường là dòng bảo hiểm liên kết đầu tư, gồm bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi suất và bảo hiểm liên kết đơn vị không cam kết lãi suất. Dòng bảo hiểm này được các nhà bảo hiểm tại Việt Nam đẩy mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, chiếm tới hơn 70% doanh thu phí bảo hiểm năm 2022.

Nói với VnExpress, ông Ngô Trung Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm, cho biết dòng sản phẩm liên kết đầu tư với thời hạn hợp đồng lên tới 99 tuổi bắt đầu phát triển trên thế giới từ những năm 1990 khi thị trường tài chính phát triển. Việc thiết kế thời hạn hợp đồng như vậy xuất phát từ nhu cầu huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp để linh hoạt tham gia thị trường vốn. Bên cạnh đó, "sản phẩm bảo vệ trọn đời" cũng là một cách thức để doanh nghiệp quảng bá cho sản phẩm, thu hút khách hàng tham gia hơn.

Theo đó, thời hạn bảo vệ cho khách hàng được nhà bảo hiểm thiết kế tới năm khách hàng 99 tuổi (hoặc 74 tuổi hoặc 100 tuổi tuỳ vào từng hãng).

Thời hạn hợp đồng được xác định bằng cách lấy Thời hạn bảo vệ trừ đi tuổi của khách hàng tại thời điểm tham gia. Ví dụ, một khách hàng mua bảo hiểm năm 20 tuổi, thời hạn hợp đồng được xác định bằng cách lấy Thời hạn bảo vệ 99 năm, trừ đi độ tuổi bắt đầu tham gia bảo hiểm là 20 năm, ra được con số 79 năm.

Thời hạn đóng phí tối đa được xác định bằng thời hạn hợp đồng, tức 79 năm. "Khách hàng có quyền đóng phí tới năm 79 tuổi nhưng không có nghĩa là khách hàng bắt buộc phải đóng phí 79 năm", đại lý Lê Thị Kim Ngân cho biết.

Đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top 3 thị phần cũng khẳng định "không có doanh nghiệp nào bắt buộc khách hàng đóng phí đến năm 99 tuổi". "Thời hạn hợp đồng 99 năm trên thực tế là một quyền lợi chứ không phải gánh nặng tài chính với khách hàng", đại diện này cho hay.

IMG-3112-2-8292-1681727794.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eQ6AW8IIlauAwEGXivGcLA

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của một khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo đại diện này, điểm khác biệt của các sản phẩm bảo hiểm trọn đời so với bảo hiểm truyền thống, là số tiền bảo hiểm chi trả không có mức tối đa hay tối thiểu mà phụ thuộc vào phí đóng, thời gian hợp đồng dài hạn giúp khách hàng bảo vệ trước rủi ro trong suốt cuộc đời. Phí bảo hiểm có thể đóng linh hoạt mỗi năm, không bắt buộc ở một mức cố định như các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.

Nhưng dòng sản phẩm liên kết đầu tư này vẫn có thời gian đóng phí bắt buộc. Tùy sản phẩm, thời gian đóng phí bắt buộc thường dao động 4-5 năm, được quy định trong quy tắc điều khoản sản phẩm được Bộ Tài chính phê duyệt. Khách hàng được linh hoạt đóng phí từ sau thời gian bắt buộc này cho đến hết thời hạn hợp đồng.

"Việc duy trì đóng phí bảo hiểm đều đặn và kỷ luật trong dài hạn sẽ giúp khách hàng đạt được mục tiêu tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, tính linh hoạt của dòng sản phẩm này cho phép khách hàng điều chỉnh phí đóng sao cho phù hợp với nhu cầu chi tiêu tại mỗi thời điểm cũng như khả năng tài chính", đại diện doanh nghiệp bảo hiểm nói.

Với bảo hiểm nhân thọ, khách hàng được khuyến khích tham gia theo đúng kế hoạch được tư vấn viên thiết kế, thể hiện ở bảng minh hoạ. Việc mua sản phẩm là cam kết tham gia dài hạn, ít nhất 15-20 năm nếu khách hàng muốn tối ưu dòng tiền nhận về.

Lý do là tiền bảo hiểm đóng vào những năm đầu bị trừ rất nhiều phí, đặc biệt là phí ban đầu - trước khi được mang đi đầu tư. Khách hàng sẽ rất thiệt thòi nếu dừng đóng phí và kết thúc hợp đồng sớm so với dự kiến, đặc biệt trong 3 năm đầu tiên.

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022