Nội dung này được nêu tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khi họp với Tổ công tác của Thủ tướng về gỡ khó cho các dự án bất động sản.
Theo đó, các địa phương phải giải quyết các vướng mắc liên quan vấn đề đất công xen kẽ trong dự án, định giá đất. Trường hợp không chọn được đơn vị tư vấn giá đất, các tỉnh, thành phố giao cho các Sở, chuyên gia tư vấn xác định giá.
"Các địa phương cần làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định nguyên nhân và kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn", thông báo kết luận của Phó thủ tướng nêu.
Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu chậm trễ tháo gỡ, ảnh hưởng đến thu ngân sách và báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng các vướng mắc vượt thẩm quyền.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí đánh giá, phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng (công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại) và thanh khoản của thị trường. Đây là cơ sở để các ngân hàng nới điều kiện vay mà không đánh đồng với các dự án rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng để tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho các dự án.
Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng xác định danh mục dự án, điều kiện thụ hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương xác định, công bố dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Các địa phương sớm phê duyệt, trình duyệt quy hoạch liên quan đến xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bất động sản - đóng góp khoảng 11% GDP, đang đối mặt khó khăn do vướng mắc về pháp lý, dòng tiền. Việc này kéo theo những tác động tới các lĩnh vực khác, như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng và ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất, lao động, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường này. Giữa tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Về nhà ở xã hội, đầu tháng 4, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển loại hình này, với mục tiêu có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội vào 2030 cho người thu nhập thấp. Tổng vốn dự kiến thực hiện là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Đức Minh