Yêu cầu trên được nêu tại thông báo kết luận ngày 14/2 của Thủ tướng sau buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Giai đoạn xảy ra đại dịch (2020-2022), ngành hàng không, trong đó có hãng hàng không quốc gia là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động của thị trường.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được công bố cuối năm ngoái, tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn 15.396 tỷ đồng. Trong năm tài chính kết thúc cùng ngày, hãng lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp 11.223 tỷ đồng.

Năm 2023, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines cải thiện nhưng lợi nhuận hợp nhất sau thuế vẫn âm khoảng 5.500 tỷ. So với năm 2022, số lỗ này đã giảm được một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng.

Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của hãng đạt vượt 40.000 tỷ đồng.

Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines được kỳ vọng có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.

Hiện hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vietnam Airlines cho biết sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.

Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể gỡ khó khăn cho Tổng công ty này.

a-nh-ma-n-hi-nh-2023-12-16-lu-7702-9894-1707990298.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-pm84ve04LdQTjSxQiCxGg

Một tàu bay Boeing Dreamliner B787-10 của Vietnam Airlines. Ảnh:Brandon Chen/Planespotters

Tại thông báo kết luận, Thủ tướng đánh giá năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, ông yêu cầu 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước phải đầu tư phát triển mở rộng, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cùng đó, các chỉ tiêu tài chính, nhất là đóng góp ngân sách nhà nước vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 phải cao hơn năm 2023.

Để đạt được mục tiêu, cùng với Vietnam Airlines, Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trình Thường trực Chính phủ phương án xử lý dứt điểm dự án Thép Việt Trung và dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trong tháng 3; Đề án cơ cấu lại VEC và Nhà máy đóng tàu Dung Quất trong quý I.

Lãnh đạo Chính phủ giao các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan tới thuế, đất đai, bất động sản, nhà ở để các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thể đầu tư phát triển. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước nghiên cứu, làm việc với các bộ ngành để sớm tìm giải pháp cho doanh nghiệp. Các bộ ngành phối hợp trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước được yêu cầu bố trí nhân sự đúng, trúng, tuyệt đối không để chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ. "Tất cả phải theo quy trình, quy định, không để bất cứ ai can thiệp tiêu cực vào công tác cán bộ", thông báo của Thủ tướng nêu.

Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam trong năm 2024 bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế về điện, xăng dầu, khí đốt.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, điều chỉnh giá điện phù hợp. Bộ này được giao trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong tháng 3; xây dựng giá điện khí, gió, mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phú trong quý II.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022