Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội chiều 2/11. Việc nghiên cứu giao một đầu mối quản lý xăng dầu sẽ được thực hiện trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

"Tất nhiên còn phải rà soát, nhưng cơ bản sẽ theo hướng một bộ quản lý duy nhất xăng dầu", Thủ tướng nói.

Riêng với những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay, ông cho biết, đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo các cơ quan quản lý, có giải pháp cho thị trường.

Trước đó, tại thảo luận kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm cả việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Việc này theo ông Phớc sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn.

Nêu quan điểm, bên hành lang Quốc hội hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng "hợp lý" nếu một đầu mối điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương.

"Một bộ quản lý sẽ linh hoạt, tránh tái diễn cảnh "đá qua, đá lại" giữa các bộ vừa qua", ông Trịnh Xuân An, đại biểu tỉnh Đồng Nai chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 2/11.

Tuy nhiên, ngoài xử lý bất ổn đang có trên thị trường, theo ông An, cơ quan quản lý cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức vận hành điều hành, quản lý; xác định được ranh giới nhà nước và thị trường.

"Cách thức quản lý xăng dầu phải xem trên thế giới có nước nào làm như mình không? Xăng dầu là thiết yếu đặc biệt cần sự điều tiết nhất định nhưng cũng không thể can thiệp một cách phi thị thường, những nguyên tắc của thị trường vẫn phải được tôn trọng", đại biểu tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm.

xang-6-jpeg-8502-1667386135.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PAjFvUvOff6C5FzDHRflZQ

Nhân viên một trạm xăng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM bơm xăng dầu cho khách, ngày 1/11. Ảnh: Thành Lộc

Theo ông, bất ổn thị trường đang diễn ra có thể lý giải do chiết khấu thấp, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu chưa kịp thời... nhưng đây chỉ là lý do bề nổi. Bản chất là cơ chế điều hành xăng dầu phải thay đổi.

"Ở đây câu chuyện linh hoạt, tuân thủ nguyên tắc thị trường đã không được đảm bảo, cho nên chúng ta cần thay đổi toàn diện. Một đất nước hội nhập, nền kinh tế mở với quy mô GDP vài trăm tỷ USD, đang có nhu cầu phát triển lớn lại thiếu xăng ở các đô thị, thành phố lớn thì không thể chấp nhận được, dù lý do lý gì đi nữa", ông An nói.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị, phải minh định rõ "ai chịu trách nhiệm", tránh tình trạng đùn đẩy nhau và phải thay đổi ngay cách thức vận hành, điều hành thị trường.

"Khó có thể chấp nhận được tình trạng người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM phải xếp hàng mua xăng vì thiếu hàng", ông nhắc lại.

Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đồng tình quan điểm trên. Ông cho hay, theo dự thảo Luật Giá sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội, sẽ tăng phân cấp, phân quyền quản lý với một số mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý về cho các bộ, ngành liên quan quản lý trực tiếp, chứ không tập trung hết về đầu mối quản lý giá là Bộ Tài chính.

"Việc giao xăng dầu về Bộ Công Thương quản lý là hợp lý, sẽ giảm tải đầu mối. Bộ Tài chính quản chung về giá, khó sâu sát cụ thể. Từng cơ quan quản lý nhà nước với từng mặt hàng cụ thể sẽ giúp đề cao trách nhiệm hơn nữa của từng bộ, ngành địa phương trong quản lý giá trên thị trường", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, đại biểu tỉnh Phú Thọ, khi Bộ Công Thương chủ trì điều hành xăng dầu, cũng cần sự tham mưu, giám sát từ các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy, đảm bảo đồng bộ, toàn diện của các bộ ngành liên quan nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của cơ quan chủ trì.

Ở khía cạnh này, ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách bổ sung thêm, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính quản lý nguồn cung, tính toán chi phí, giá, vẫn cần vai trò kiểm tra, giám sát, thẩm định của bộ ngành chuyên môn.

Không riêng các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng việc thống nhất một bộ quản lý xăng dầu (nguồn cung, giá, chi phí...) sẽ khắc phục bất cập hiện nay của thị trường. Bởi, khi đó Bộ sẽ chủ động và hiểu được cơ chế về chi phí tăng giảm thế nào, từ đó có phương án xây dựng giá tốt nhất.

Nói với VnExpress, Giám đốc doanh nghiệp sở hữu 17 cây xăng (bao gồm cả đại lý) ở TP HCM cho rằng sẽ đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương cho hay, nếu vẫn để tình trạng hai bộ quản lý thì mọi hoạt động khó thông suốt, tình trạng thiếu xăng dầu vẫn sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm, thậm chí kéo dài sang 2023. Ngược lại, nếu chuyển toàn bộ cho Bộ Công Thương quản lý thì nguồn cung xăng dầu sẽ chủ động hơn và giá được điều chỉnh linh hoạt kịp thời.

"Bộ Công Thương cũng như một doanh nghiệp, nếu vừa chủ động sản xuất vừa cân đối đầu ra thì doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc và còn hoạt động tốt, thích ứng thị trường nhanh", ông Hán nói.

Vị giám đốc này cũng đề nghị sau khi mọi thứ được quy về một đầu mối trách nhiệm thì Bộ Công Thương cần quy hoạch lại doanh nghiệp nhập khẩu, giảm bớt đầu mối nhập hàng thiếu trách nhiệm và không có kế hoạch dự trữ.

Đánh giá về việc điều hành xăng dầu hiện nay, TS Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường quá nhiều bất cập. Khi Liên bộ Tài Chính – Công Thương cùng quản lý khiến tính trách nhiệm trong quản lý mờ nhạt và dường như không có.

"Do vậy, nên giao về Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn bộ - đây là việc làm bình thường. Bởi, Bộ Công Thương vẫn làm việc theo đúng pháp luật vẫn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong chuyên môn, nếu Bộ này có những chuyên ngành cần tham vấn các Bộ khác, họ cần chủ động", ông Hiển nêu.

Chẳng hạn, muốn tính mức chiết khấu giá xăng dầu, định mức chi phí, công thức tính giá dự trữ xăng dầu, Bộ Công Thương có thể tham vấn Bộ Tài chính tư vấn và các bên liên quan. Sau đó, Bộ vẫn phải là người quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu có sai sót.

"Tinh thần trách nhiệm là quan trọng, Liên bộ thì cuối cùng đầu mối chung vẫn là Chính phủ nên không cần phải 2 Bộ cùng lúc quản lý sẽ chồng chéo và chậm chạp", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt vừa có tính thị trường và vừa có tính dịch vụ theo cơ chế Nhà nước. Do đó, quy trình, quy chuẩn, giá chiết khấu, dự trữ đều có một công thức tính chung và có cả Nghị định đi kèm nên không ai được phép tự ý "vẽ".

Do đó, chỉ cần một Bộ quản lý có trách nhiệm thì mọi vấn đề đều thông suốt. Trường hợp kế hoạch, dự báo vượt thẩm quyền họ cần thông báo rõ cho Chính phủ để tìm hướng xử lý kịp thời. Ngược lại, nếu người đứng đầu cơ quan quản lý không làm tròn trách nhiệm nên xin từ chức.

"Trước nay, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam biến động quá nhiều qua các năm. Kế hoạch dự trữ quốc gia cũng không có nguyên nhân khách quan gây đột biến. Do đó, việc để thiếu nguồn cùng thời gian qua cơ quan quản lý cần nhìn lại cách quản lý của chính họ", ông Hiển nhấn mạnh.

Về lâu dài, ông Hoàng Văn Cường đề nghị để ngành xăng dầu vận hành theo thị trường hoàn toàn, đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng dầu, không nên tập trung quá. Còn hiện xăng dầu vẫn cần sự quản lý, can thiệp của Nhà nước để tránh tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát.

Hoài Thu - Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022