Sau khi kiểm soát dịch Covid-19 vào cuối 2021, TP HCM đặt mục tiêu "lấy lại những gì đã mất" trong năm nay, sau đó tăng tốc phát triển để bứt phá vào 2025 nhằm đạt mục tiêu đặt ra đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, tại phiên họp kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, giải pháp cho hai tháng cuối năm của UBND TP HCM, chiều 1/11, lãnh đạo thành phố cho rằng kế hoạch trên đang đối mặt nhiều thách thức.
"Có ý kiến cho rằng với tình huống phát sinh từ bên ngoài và nội tại của thành phố, việc đặt vấn đề 2023 tăng tốc là khó, giữ được như năm nay đã mừng rồi", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ đầu cuộc họp. Tăng trưởng của TP HCM trong 10 tháng qua là 9,97%, dự báo cả năm 9,44% - đạt và vượt chỉ tiêu đề ra đầu năm.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cũng cho rằng, hiện thành phố đã tăng tốc tới ngưỡng. Năm tới giữ mức tăng trưởng 9,4% hoặc lên đôi chút là được, chứ không nên tăng tốc vì không có điều kiện.
Nói về vấn đề nội tại của TP HCM, ông đánh giá cải cách hành chính còn nhiều hạn chế như số hoá "nửa vời" khi nhiều cơ quan "đi hai chân" - vừa hồ sơ giấy, vừa hồ sơ điện tử...
10 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của thành phố là 392.790 tỷ đồng, đạt hơn 101%, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn thấp, chỉ đạt 29% kế hoạch vốn giao (10.953 tỷ đồng trên 37.996 tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đứng đầu cả nước, nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể cũng đứng đầu, chiếm khoảng 30% cả nước.
Chủ tịch TP HCM lo lắng về tăng trưởng kinh tế của TP HCM trong 2023. Ảnh: TTBC
Tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), đánh giá thành phố "không may mắn" khi phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn trong bối cảnh khó khăn. Từ quý IV/2022 đến 2023, mọi dự báo đều cho thấy kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái tương đối rõ. Lạm phát tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đẩy kinh tế thế giới đi vào trì trệ.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ, tác động tại TP HCM là thị trường hàng xuất khẩu khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm so với tháng 9 dù tăng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn ngay từ quý I khi thị trường các nước bị tác động bởi lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh tình hình thế giới không thuận lợi, TS Trần Du Lịch phân tích việc thiết lập kỷ cương trên thị trường tài chính, bất động sản cả nước là rất tốt về trung và dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, tác động không thuận lợi, nhất là đến tâm lý thị trường. Nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi thay vì chạy đua phục hồi sau đại dịch.
Ông Lịch cho rằng, nếu dòng vốn của nền kinh tế chững lại chỉ trong hai quý cuối năm không chỉ ảnh hưởng đến năm 2023 mà cả 2024. "Kinh nghiệm nhiều năm của tôi là nếu chính sách vĩ mô thuận lợi, TP HCM hưởng lợi nhiều hơn bình quân cả nước, phát triển nhanh. Ngược lại, nếu tiêu cực cũng chịu tác động nhiều hơn", ông nói.
TS Trần Du Lịch phân tích khó khăn của TP HCM. Ảnh: TTBC
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ (Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế TP HCM) cho rằng thành phố đang chịu hai sức ép - từ bên ngoài do bối cảnh thế giới; và nội thương từ bên trong do tình hình không ổn định khi hàng loạt vụ án kinh tế tác động đến thị trường.
"Thành phố cần nhìn thẳng, trực diện vào tình hình đang xấu đi đột ngột từ tháng 9 tới nay", ông nói. Nguyên nhân theo ông là có nhiều thay đổi như Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất; quy mô dự trữ ngoại hối giảm... Đặc biệt là các vụ điều tra liên quan sai phạm của các tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát tác động mạnh đến thị trường,...
Chốt phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, dù 10 tháng đầu năm, thu ngân sách tại thành phố đạt 101% dự toán năm, nhưng trong bối cảnh kinh tế quý IV sụt giảm, mục tiêu thu ngân sách 2023 (chỉ tiêu mà TP HCM được Quốc hội giao là 469.000 tỷ đồng) cũng là thách thức. Do đó, thành phố cần đánh giá đúng tình hình để có biện pháp phù hợp.
Tháng 10 xuất hiện nhiều tình huống mới, như các vấn đề xoay quanh Ngân hàng Sài Gòn - SCB ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - chính trị, tác động đến ngân hàng, tài chính, bất động sản. Tình trạng cung ứng xăng dầu cũng tạo tâm lý thiếu tin tưởng, ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Từ thực tế này, Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt ra nhiệm vụ cho từng sở ngành, địa phương, tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để "giải phóng sức mạnh" của thành phố. Để thu hút đầu tư FDI, thành phố cũng cần xác định tiêu chí, chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để sẵn sàng đón dòng vốn dịch chuyển đầu tư vào thành phố.
Thu Hằng