Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, với gần 520 km đường dây mạch kép giúp kéo điện ra miền Bắc. Dự án được khánh thành cuối tháng 8, sau gần 500 ngày thi công thần tốc. Tức là dự án đã hoàn thành trong 6 tháng, thay vì 3, 4 năm như trước đây.

img3926-1733636323114107758754-7722-5263-1733640895.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UEXqmlc1GMiExoBwlXG_iQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án đường dây 500 kV mạch 3 Phố Nối - Quảng Trạch, ngày 8/12. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị tổng kết đầu tư xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 sáng 8/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong quá trình làm việc, sẽ có những người bàn làm và có người bàn lùi, có những người quyết tâm và có người không. "Nhưng đại đa số quyết tâm và biết cách làm thì sẽ làm được", ông nói và khẳng định công trình mang ý nghĩa cho thấy "không gì là không thể". Đồng thời, công trình góp phần nâng vai trò, uy tín, vị thế của ngành điện.

Đường dây 500 kV mạch 3 là mạch kép, lại đi qua nhiều địa hình khác nhau, có khối lượng thi công lớn hơn nhiều so với các dự án đã thực hiện. Theo EVNNPT, các dự án có quy mô, khối lượng tương tự phải mất 3-4 năm. Chẳng hạn, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài 437 km thi công trong gần 3 năm, đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài 740 km cũng gần 4 năm. Dự án này phải dựng tới 139.000 tấn thép, gấp hơn 2 lần mạch 1.

mach-3-7082-1733642135.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i0Z8eiRHoG4x6Rm_bJSj1g

Đường dây 500 kV mạch 3 đưa vào vận hành, tạo nên tuyến truyền tải hoàn chỉnh, kéo dài từ Bắc vào Nam. Đồ họa: Đỗ Nam

Để thực hiện dự án, nhà thầu thi công khối lượng đào đất là hơn 2,5 triệu m3, đổ hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng, 139.000 tấn thép cột. Cùng đó, 513 khoảng néo hành lang tuyến với chiều dài 519 km, kéo 26 sợi dây dẫn, dây chống sét, cáp quang với tổng gần 14.000 km.

Cùng với tiến độ, Thủ tướng đánh giá chất lượng dự án đã được kiểm chứng qua cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua. Đồng thời, dự án này cũng không bị đội giá, góp phần chống tiêu cực và lãng phí. Ông đề nghị EVN và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt các việc còn lại như hoàn nguyên môi trường, thanh quyết toán, chăm lo đời sống người dân bị ảnh hưởng, khen thưởng.

Cùng gần 1.180 km của hai đường dây 500kV từ miền Trung vào Nam đã hoàn thành trước đó, dự án tạo thêm một tuyến đường dây 500 kV mạch 3 hoàn chỉnh, kết nối từ Bắc vào Nam. Dự án giúp nâng năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc - Nam, tăng cung ứng điện qua hệ thống 500 kV từ Trung - Bắc khoảng 2.500 MW. Việc này giúp bù đắp thiếu hụt điện cục bộ, đảm bảo cấp điện, an ninh năng lượng cho miền Bắc trong những năm tới.

Theo Thủ tướng, Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng. Để làm được, ông nói Việt Nam phải có đột phá về tăng trưởng, đạt tốc độ 2 con số trong những thập kỷ tới. Như vậy, tăng trưởng điện phải cao hơn, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

"Một điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện", Thủ tướng nói. Do đó, ông yêu cầu ngành phải có những đột phá, công trình thế kỷ, dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Việc này nhằm mục tiêu "dứt khoát không để thiếu điện cho tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Thừa nhận đây là mục tiêu khó, nhưng lãnh đạo Chính phủ khẳng định "khó mấy cũng phải làm". "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội ủng hộ, nhân dân đồng tình, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu EVN và ngành điện phải tăng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật. Việc này để bảo đảm các khâu gồm nguồn, tải, phân phối, sử dụng điện hiệu quả, mức giá phù hợp với doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, ngành điện phải tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022