Việc ký hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng 53 quốc gia, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, đặt ra yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Họ cũng thiếu nhiều quy định như Chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

ba-nguye-n-thi-tuye-t-mai-pho-1376-4460-1701443757.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4J2e1U06kmVAh9k3ZIo3-Q

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký VITAS chia sẻ tại hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Global PR Hub tổ chức. Ảnh: Global PR Hub

Thực tế, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới ngày càng ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng nhiều biện pháp thực hành xanh. Đây được xem là biện pháp bảo vệ danh tiếng và triết lý kinh doanh của họ, đồng thời đáp ứng những quy định được luật hóa ngày càng khắt khe.

Bà Lành Huyền Như - Quản lý dự án Chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Việt Nam), nói tại các nước phát triển, tăng trưởng bền vững không còn là vấn đề chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nên làm, mà chuyển sang bắt buộc họ phải thực hiện. Theo lộ trình, các tiêu chuẩn trên càng mở rộng phạm vi, từ đó ảnh hưởng sâu và rộng đến hệ sinh thái doanh nghiệp cung ứng tại các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Bà Như lấy ví dụ tại Đức, Luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) quy định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm giám sát đối tác, nhà cung ứng của họ đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và quyền người lao động, trước khi nhập khẩu vào quốc gia này. Mức phạt có thể lên đến 2% tổng doanh thu nếu vi phạm. LkSG có hiệu lực từ năm nay cho các doanh nghiệp có quy mô từ 3.000 nhân viên trở lên, nhưng sang năm sau, các công ty có quy mô từ 1.000 nhân viên trở lên cũng phải tuân thủ. Dự kiến, châu Âu cũng thông qua Chỉ thị Thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD) với nội dung tương tự.

Ngay cả với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đại diện AHK Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa được định hướng rõ ràng về khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội. Bà Như dự đoán, điều này có thể khiến ngành dệt may Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

Việc các quốc gia nhập khẩu trọng điểm tăng cường quy định về xanh hóa gây thêm thế khó cho ngành dệt may vẫn chưa phục hồi sau dịch. Theo VITAS, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 10 tháng đầu năm đạt 33 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Không có đơn hàng khiến các doanh nghiệp không đủ vốn hoặc không hoạt động liên tục để chuyển đổi xanh.

Một chuyên gia khác cũng nêu ví dụ thực tế về một doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển đổi hệ thống xử lý nước thải. Doanh nghiệp này tìm đến đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và hào hứng đầu tư nhưng rồi phải dừng đột ngột vì không có đơn hàng.

Tuy có nhiều khó khăn, các bộ luật thẩm định chuỗi cung ứng kể trên sẽ tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam giành lợi thế so với các nước khác. Gần đây, hàng dệt may Bangladest thắng thế, nhờ giá thấp hơn khi hưởng thuế suất bằng không ở châu Âu và nhân công rẻ. Vì thế, nếu quốc gia Nam Á này không thực hiện tốt các quy định bảo vệ quyền con người, trong tương lai các thị trường lớn như châu Âu cũng sẽ hạn chế nhập hàng hóa.

Phó tổng thư ký VITAS nêu quan điểm dù khó khăn, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, không thể không đi nếu các doanh nghiệp dệt may muốn tồn tại và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. "Đây là cuộc chơi chúng ta không có quyền lựa chọn", bà nhấn mạnh.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022