Đầu tháng 3, Porsche Studio đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai Đông Nam Á được mở tại Hà Nội. Khác với các showroom thông thường, Porsche Studio là "một không gian thuộc mô hình bán lẻ trong đô thị, cung cấp trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp, đồng thời là điểm tiếp cận thương hiệu và sản phẩm thú vị", theo tuyên bố của hãng xe Đức. Hay có thể hiểu đơn giản, đây là một cửa hàng "flagship".

"Sự năng động và đa dạng xuất phát từ dân số trẻ tại Hà Nội là nguồn cảm hứng để chọn nơi đây thành điểm lý tưởng của Porsche Studio thứ hai Đông Nam Á, đặc biệt khi Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi", ông Arthur Willmann, Giám đốc Điều hành Porsche châu Á - Thái Bình Dương, lý giải.

PAP21-0035-fine-1-5467-1616498271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VJluU9SSmfR8JEhGbWfP0w

Bên ngoài Porsche Studio tại Hà Nội. Ảnh: Porsche.

Porsche không phải là thương hiệu ôtô ngoại duy nhất hào hứng với Việt Nam. Đầu tháng 12/2020, Rolls-Royce bất ngờ tìm được nhà phân phối mới chỉ 2 tháng sau khi chia tay nhà phân phối cũ.

Trả lời VnExpress thời điểm đó, ông Paul Harris, Giám đốc Rolls-Royce châu Á - Thái Bình Dương nói rằng Việt Nam là thị trường rất thú vị. "Đây cũng là một đất nước ở châu Á có sự phát triển mạnh mẽ trong thời điểm vừa qua. Chúng tôi nghĩ rằng cơ hội để hợp tác ở thị trường Việt Nam là rất tốt", vị này nhận định.

Những tuyên bố lạc quan được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam cũng trải qua một năm đại dịch tương tự như các quốc gia khác. Thậm chí, theo báo cáo của Knight Frank, năm 2020 Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), giảm 15 người so với 2019. Số có 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam cũng giảm từ 20.645 xuống còn gần 19.500 người, tương đương 6%.

Tuy nhiên, Covid-19 và các con số thống kê trên không dập tắt được sức mua của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam. Audemars Piguet mở cửa hàng tại TP HCM vào tháng 10/2019. Một năm sau, vào cuối tháng 9/2020, họ tiếp tục mang đến Việt Nam bộ sưu tập mới, trong đó là mẫu Royal Oak giá 4,5 tỷ đồng.

"Chúng tôi vẫn có khách hàng mua đồng hồ vào thời gian dịch vừa qua", nhà phân phối thương hiệu nói với VnExpress thời điểm đó. Hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ 140 năm tuổi này bán ở Việt Nam những mẫu đồng hồ giá vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

IMG-20210323-17563070-8571-1616498271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UGJNIeo1GRbbdTAjNNpv9A

Khách xem mẫu Royal Oak giá 4,5 tỷ đồng ngày 30/9/2020 tại TP HCM. Ảnh: Viễn Thông.

Hay như DAFC - đơn vị thuộc IPPG - nhà phân phối độc quyền của hơn 60 thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cho biết, năm 2020 vẫn đảm bảo tăng trưởng chung. Bà Tiên Nguyễn, Phó tổng giám đốc mảng Phát triển Thời trang cao cấp của IPPG đánh giá, sức mua chung của tập khách hàng tầng lớp trung lưu và giàu đối với hàng cao cấp vẫn duy trì. Và riêng đối với DAFC sức mua trong năm 2020 tăng mạnh hơn 35% so với cùng kỳ 2019.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, bất chấp đại dịch, doanh thu của thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam dự kiến đạt 1,14 tỷ USD trong năm nay. Tính chung giai đoạn 2021-2025, thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 7,2%.

Nguyên nhân sức mua hàng cao cấp của người Việt vẫn tăng bất chấp dịch, theo bà Tiên Nguyễn đến từ lý do chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, các công ty đã đầu tư chiến lược phát triển kỹ thuật số và các kênh mạng xã hội, cá nhân hóa cách tiếp cận và chăm sóc khách hàng.

Về khách quan, bà dẫn nhận định của báo Mỹ rằng Việt Nam đã làm nên "điều thần kỳ mới của châu Á" trong công tác phòng chống dịch và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 5.059 tỷ đồng, tăng hơn 2,6% so với năm 2019. Global Confidence và Nielsen xếp hạng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 2 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào quý II/2020.

"Thị trường Việt Nam trong thời điểm lý tưởng cho sự tham gia của những thương hiệu cao cấp thế giới. Thị trường bán lẻ đang thay đổi từng ngày, từng giờ với tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo", bà đánh giá.

Một yếu tố khác là việc không thể ra nước ngoài mua sắm khiến nhà giàu Việt dành chi tiêu ngay tại nội địa. Tháng 2/2021, Bvlgari quay lại Việt Nam với một cửa hàng sang trọng tại quận 1, TP HCM. Đại diện Bulgari Việt Nam cho hay, chính mùa dịch tạo ra một phần cơ hội cho họ, khi người tiêu dùng không thể chi tiêu cho việc du lịch và mua sắm ở nước ngoài.

"Trong nguy có cơ, vượt qua được những trở ngại hiện tại sẽ giúp chúng tôi tiếp cận được một lớp khách hàng tiềm năng mà trong điều kiện bình thường họ thường mua sắm khi đi nước ngoài", đại diện công ty cho biết.

Một điểm nữa là không chỉ giàu, dân số trẻ cũng là điểm cộng của thị trường Việt Nam đối với các thương hiệu đắt tiền. Dường như, người trẻ thường chịu chi hơn và dĩ nhiên về dài hạn cũng là khách hàng tiềm năng khi họ thành đạt hơn.

Hà Nội là địa điểm mở Porsche Studio một phần vì nơi đây có dân số trẻ và năng động trong Đông Nam Á. Với Rolls-Royce, Việt Nam là thị trường có dân số trẻ nhất của họ. Còn Bulgari Việt Nam đánh giá, thị trường này có một "thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi có sự hòa nhập mạnh mẽ vào dòng chảy của thế giới".

lv-5301-1614683954-5967-1616498271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wexdjjZtjxIr0Iy9RftNTw

Một cửa hàng thời trang xa xỉ tại Hà Nội. Ảnh:Phương Ánh.

Báo cáo lần thứ 15 của Knight Frank ước tính tốc độ tăng trưởng tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ tăng mức 31%, thuộc top tăng mạnh nhất thế giới nhờ vào sự ổn định kinh tế - xã hội bằng việc kiểm soát dịch tốt của chính phủ. Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, khó có tổ chức nào thực sự đo đếm hết lượng người "giàu ngầm" hay "đại gia ẩn mình" ở Việt Nam.

"Và cho dù các bảng xếp hạng thế giới có đo đếm được hết tầng lớp trung lưu và giàu trên thế giới hoặc tại Việt Nam hay không, điều quan trọng hơn cả vẫn là Việt Nam sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững. Đó là điều mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng nhất", bà Tiên Nguyễn bình luận.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022