Vệ tinh thăm dò Biomass sẽ được phóng vào quỹ đạo Trái Đất ngày 29/4 trong 5 năm, theo thông tin từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Biomass dự kiến được phóng từ cảng vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu gần Kourou ở Guiana, Pháp, trên tên lửa VegaC, mang theo một radar khẩu độ tổng hợp băng tần P. Việc sử dụng các tín hiệu bước sóng dài sẽ cho phép vệ tinh này nhìn xuyên qua tán cây dày 40 m để đánh giá lượng carbon lưu trữ và mức độ thay đổi của chúng trong các khu rừng nhiệt đới trên thế giới.

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh Biomass. Nguồn: ESA/ATG medialab
Chưa đến 2% ánh sáng mặt trời chạm được vào đất rừng rậm rạp ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, nhưng Biomass sẽ quét hình ảnh chi tiết từ độ cao hơn 600 km. Dữ liệu thu thập được sẽ giúp các nhà khoa học tính toán lượng carbon lưu trữ trong rừng và đo lường mức độ thay đổi khi con người tiếp tục chặt phá rừng, làm tăng mức carbon dioxide (CO2) trong khí quyển.
Vệ tinh này được lắp bởi một nhóm doanh nghiệp do Airbus UK (công ty con của Airbus) đứng đầu, Cơ quan Vũ trụ châu Âu tài trợ. Ngoài bản đồ hàm lượng carbon, Biomass sẽ lập bản đồ địa chất và địa hình dưới bề mặt của tầng rừng, đồng thời cung cấp dữ liệu về tốc độ mất đa dạng sinh học khi rừng bị chặt phá để khai thác mỏ và trồng cây nông nghiệp.
"Chúng ta cần biết tình trạng sức khỏe của các khu rừng nhiệt đới trên hành tinh này", Simonetta Cheli, Giám đốc Chương trình quan sát Trái Đất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nói với tờ Observer vào tuần trước. Từ đó, các thông tin về chất lượng, đa dạng sinh học của thảm thực vật cũng như lượng carbon lưu trữ sẽ được tạo lập bằng hình ảnh 3D, từ rễ cây đến đỉnh tán rừng.
Rừng nhiệt đới góp phần bảo vệ hành tinh khỏi một số tác động tồi tệ của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chúng hấp thụ khoảng 8 tỷ tấn CO2 từ khí quyển, thường được mô tả như lá phổi xanh của Trái Đất.
Nhưng nạn phá rừng và suy thoái môi trường hiện đảo ngược tất cả. Carbon, từng được lưu trữ với số lượng lớn, đang được đưa trở lại khí quyển, làm tăng lượng khí nhà kính. Các điểm nóng phá rừng được xác định tại phía bắc Nam Mỹ, châu Phi cận Sahara, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nơi sản xuất thịt bò, đậu nành, cà phê, ca cao, dầu cọ và gỗ, gây áp lực lên nỗ lực bảo vệ rừng trên diện rộng.
Bjorn Rommen, nhà khoa học của dự án Biomass, nói tính định lượng là điều cần thiết để dự báo những gì sẽ xảy ra với khí hậu Trái Đất trong những năm tới. "Chúng ta không hiểu đúng những thay đổi đang diễn ra hiện nay, một phần bởi không có ước tính định lượng về mức carbon trong những khu rừng này", ông Rommen nói.
"Chúng ta cần dự đoán được Trái Đất sẽ thế nào khi nhiệt độ tăng", Giám đốc Chương trình quan sát Trái Đất nói. Ông thêm rằng việc tích hợp dữ liệu khổng lồ từ vệ tinh với AI, cùng công nghệ máy học, sẽ cho thấy "chúng ta đang phải đối mặt với điều gì".
Bảo Bảo (theo The Guardian)