Trong bối cảnh các mỏ dầu ở Việt Nam đang suy giảm sản lượng, Petrovietnam cho biết vẫn duy trì khai thác và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định. Khai thác dầu thô trong 9 tháng đầu năm đạt 8,15 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch chín tháng và bằng 93% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.
Các đơn vị thành viên của tập đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời điểm bão Noru đổ bộ cuối tháng 9, sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp chủ động phòng chống bão, nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động trên công suất thiết kế với mức 107%.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ở mức 107% công suất thiết kế ngay trong bão số 4 để tăng cung ứng xăng dầu cho thị trường. Ảnh: PVN
Trước đó, nhà máy cũng thường xuyên trong tình trạng hoạt động trên công suất. Tổng giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, 9 tháng năm nay, nhà máy đạt công suất vận hành trung bình 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 106% kế hoạch chín tháng và đạt 80% kế hoạch cả năm. Tổng sản lượng tiêu thụ hơn 5 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 106% kế hoạch chín tháng và đạt 78% kế hoạch năm. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 6, Dung Quất hoạt động ở mức 108% công suất thiết kế.
BSR cũng xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của nhà máy lọc dầu Dung Quất thời gian qua và hiện nay duy trì ở mức thấp 20-35%. Đơn vị cũng đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối bình ổn thị trường xăng dầu. Bên cạnh sản lượng theo hợp đồng đã ký vào đầu năm, nhằm góp phần ổn định nguồn xăng dầu trong nước, doanh nghiệp đã bổ sung khối lượng theo hợp đồng dài hạn cho các khách hàng đầu mối trong giai đoạn nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt.
Ở mảng phân phối, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) có nhiều giải pháp góp phần bình ổn thị trường. Những ngày đầu tháng 10, khi thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh, PVOIL cho biết đã đã cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống trên toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng xăng vượt 16%. Tại thị trường TP HCM, PVOIL cung cấp cho các đầu mối vượt mức 28% so với kế hoạch và riêng mặt hàng xăng vượt 35%.
Doanh nghiệp cũng chỉ đạo tới các đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Xăng dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco) tăng cường bán hàng thông qua 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng của lượng khách hàng.
Những ngày đầu tháng 10, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và Timexco đều tăng so với bình thường (xăng tăng 30%, dầu DO tăng 10%). Với hệ thống 648 cửa hàng xăng dầu trong toàn hệ thống, đơn vị góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVOIL chia sẻ, trong hai ngày 8-9/10, sản lượng bán lẻ xăng của hệ thống tăng 60% và dầu tăng 25% so với ngày bình thường. Doanh nghiệp đã chỉ đạo toàn hệ thống đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng găm hàng.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước gặp nhiều biến động, tập đoàn và các đơn vị thành viên càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc bình ổn thị trường.
Thế Đan